BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN DIÊN,
8/16/2018 6:19:10 PM
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN DIÊN,
PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ BÌNH PHÚ TẠI LỄ CÔNG BỐ
VÀ TRAO BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ THỜ HỌ ĐẶNG
Thưa các quý vị đại biểu khách quý,
Thưa các thành viên gia tộc họ Đặng cùng toàn thể nhân dân.
Trong không khí vui mừng phấn khởi của những ngày đầu xuân mới Mậu Tuất, hôm nay được sự cho phép của UBND huyện Thạch Thất, Phòng VHTT huyện, UBND xã Bình Phú cùng gia tộc Họ Đặng và nhân dân thôn Bình Xá long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Văn hoá cấp tỉnh Nhà thờ Họ Đặng.
Lời đầu tiên, cho phép tôi được thay mặt ĐU-HĐND-UBND-UBMTTQ xã gửi tới các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân lời chúc sức khoẻ, thành đạt, hạnh phúc, năm mới an khang, thịnh vượng
Thưa quý vị đại biểu,
Bình Phú là một xã có lịch sử từ rất lâu đời, một vùng quê “Địa linh nhân kiệt” của xứ Đoài. Trải qua hàng ngàn năm sinh sống, các thế hệ người Bình Phú nối tiếp nhau đoàn kết đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để sinh tồn. Từ đó, nhân dân đã xây dựng nên nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Bình Phú là một cộng đồng dân cư cổ. Quá trình sinh sống cũng là quá trình các cộng đồng dân cư trong xã luôn đoàn kết để tổ chức sản xuất và đấu tranh bảo vệ đồng điền xóm làng, từ đó hình thành nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp, đó lá đức tính cần cù, siêng năng và tinh anh trong lao động sản xuất, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong quan hệ cộng đồng làng xã. Là cộng đồng dân cư tương đối ổn định và phát triển, vì vậy từ cổ xưa, cùng với đời sống vật chất thì đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm và phát triển.
Để thỏa mãn về nhu cầu tín ngưỡng và tôn giáo với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, từ xưa nhân dân các làng đã xây dựng được nhiều công trình văn hóa trong đó có một số công trình đặc biệt về lịch sử kiến trúc, nhiều phong tục tập quán, lễ hội đình đám còn giữ nguyên bản sắc dân tộc và có ý nghĩa sâu sắc về truyền thong, như: Đình Phú Hòa, Chùa Bình Xá và nhiều công trình tâm linh khác đều đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và thành phố.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Nhà thờ họ Đặng tọa lạc tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, là nơi thờ phụng các thế hệ đi trước của dòng họ Đặng, trong đó có những nhân vật được lưu danh trong sử sách. Đó là phụng sự Lê triều nhị giáp Tiến sĩ Giám sát Ngự sử Đặng Lương Tá.
Hiện nay không còn tư liệu nào ghi chính xác năm xây dựng nhà thờ họ Đặng. Căn cứ vào những di văn Hán Nôm tại di tích để đoán định về niên đại di tích như; Bức hoành phi niên hiệu Thành Thái (năm 1904), Sắc phong có niên hiệu Khải Định Năm thứ 9 (1924), Bát hương gốm Thổ Hà mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19, Đôi câu đối có phong cách nghệ thuật tương tự như bức hoành phi niên hiệu Thành Thái (1904) và nhiều di vật khác có thể cho phép đoán định nhà thờ họ Đặng được khởi dựng từ khoảng thời Nguyễn trở về trước, muộn nhất cũng là trước khi có bức hoành phi niên hiệu Thành Thái Giáp Thìn (1904).
Theo các cụ cao niên trong dòng họ cho biết, di tích từng được tu sửa vào năm 1964. Đến năm 2002, con cháu trong dòng họ tiếp tục cùng góp công, góp của trùng tu di tích và duy trì cho đến nay.
Về nhân vật được thờ tại Di tích nhà thờ họ Đặng, cụ Đặng Lương Tá sinh ra vào những năm đẩu của thế kỷ 16 và lớn lên tại thôn Bình, xã Đặng Xá tổng Nguyên Xá, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động, do có tài cao đức độ, trí tuệ anh minh, cụ sớm đã có chí lớn chăm chỉ học hành, miệt mài kinh sử dưới triều Lê Mạc. Năm Kỷ Sửu (1529) Niên Hiệu Minh Đức thứ 3, triều đình mở khoa thi, tại khoa thi có 27 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 3 người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ, 8 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, 16 người đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân.
Cụ Đặng Lương Tá đã tham gia dự thi và đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân cùng với 7 vị tiến sỹ khác. Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) Khoa kỷ sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Làm quan đến Giám sát ngự sử. Theo Phan Huy Chú, thời Lê Thánh Tông đặt chức Giám sát ngự sử và 13 giám sát ngự sử ở các đạo. Thời Lê Trung Hưng về sau theo đó không đổi. Ngự sử đài trông coi công việc của ngự sử 13 đạo. Giám sát ngự sử 13 đạo trật chánh thất phẩm.
Vào triều Nguyễn niên hiệu Khải Định 9 (năm 1924) nhà vua đã ban sắc phong cho Hoàng giáp Tiến sĩ Đặng Lương Tá như sau: Sắc phong cho thôn Bình, xã Bình Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây đang phụng sự Lê triều nhị giáp Tiến sĩ Giám sát ngự sử Đặng Lương Tá phủ quân tôn thần, phù nước giúp dân, nhiều lần tỏ rõ sự linh ứng đến nay vẫn theo đó.
Như vậy, nhà thờ họ Đặng hiện nay phụng thờ Lê triều nhị giáp Tiến sĩ Giám sát ngự sử Đặng Lương Tá, được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Quang ý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần. Tra cứu trong các tư liệu thư tịch có thể dễ dàng tìm được văn bia tiến sĩ triều Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Như vậy, về thân thế, sự nghiệp của nhân vật Đặng Lương Tá là rất đầy đủ và rõ ràng. Từ văn bia tiến sĩ đến các sách lịch triều đăng khoa đến bằng sắc của triều đình phong kiến ban cho đều ghi chép đầy đủ về cụ Đặng Lương Tá.
Qua những tư liệu ở trên có thể thấy, cụ Đặng Lương Tá được thờ tại nhà thờ họ Đặng là một vị đã từng đỗ đạt trong khoa thi năm Minh Đức thứ 3 ( 1529), từng làm đến chức quan Giám sát Ngự sử là chức quan có từ thời Lê. Những điều trên cho thấy, nhà thờ họ Đặng đã có lịch sử hình thành từ lâu đời, thờ phụng nhân vật có công trong lịch sử và được phong làm Trung đẳng thần, được lưu danh trong sử sách, bia đá và được triều đình phong kiến vinh danh bằng sắc phong.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Xuất phát từ những nội dung, giá trị vừa nêu trên, căn cứ Luật Di sản văn hoá, thấy rằng: Nhà thờ họ Đặng có đầy đủ tiêu chí để xếp hạng là di tích lịch sử. Năm 2016 được Ban Quản lý di tích danh thắng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, các phòng ban liên quan của huyện Thạch Thất và chính quyền, nhân dân xã Bình Phú, dòng họ Đặng lập hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét ra Quyết định xếp hạng di tích Nhà thờ họ Đặng là Di tích Lịch sử.
Ngày 20/12/2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 8777/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích Lịch sử Nhà thờ họ Đặng xã Bình Phú. Hôm nay, được sự nhất trí của UBND huyện Thạch Thất và Phòng VHTT huyện, UBND xã Bình Phú cùng gia tộc Họ Đặng tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Nhà thờ họ Đặng thôn Bình Xá, xã Bình Phú. Thay mặt lãnh đạo địa phương, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Thạch Thất và các tổ chức, cá nhân có liên quan để công trình di tích nhà thờ Họ Đặng được công nhận như ngày hôm nay.
Một lần nữa, xin kính chúc các quý vị đại biểu, các cụ, các ông, các bà, các thành viên trong dòng họ luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn.
Cập nhật lần cuối: 8/16/2018 6:19:10 PM
-
Các tin khác
- Hoạt động dòng Họ năm 2018-2019 28/10/2019
- hoạt động tháng 1 năm 2019 09/03/2019
- Khuyến Học HDVN ở Lê Xá 30/12/2018
- Thông báo mừng Thọ xuân Kỷ Hợi 2019 28/10/2019
- Giỗ Tổ Họ Đặng ở Thành Phố Hạ Long 2018 30/12/2018
- Ảnh gia Huy HDVN 30/12/2018
- Cờ "Thần" 27/12/2018
- Thư Chúc Mừng Năm Mới 25/12/2018
- Hội nghị trù bị Họ Đặng Mỹ Hào 25/12/2018
- BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ HỌ ĐẶNG TỈNH BẮC NINH 18/09/2018