HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Nơi thờ gia đình thứ hai của Trần Hưng Đạo

10/23/2014 12:29:26 PM
Nơi thờ gia đình thứ hai của Trần Hưng Đạo
 
Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thờ gia đình Trần Hưng Đạo, gồm cha mẹ, các con giai, con gái, con rể. Ngôi đền nổi tiếng về sự linh thiêng, được Nhà nước cấp bằng Di tích quốc gia đặc biệt. Tại thôn Đại Trạch, Ư Trì xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang lưu giữ nơi thờ gia đình thứ hai của Trần Hưng Đạo (vợ là Quế Hoa Nương, con giai là Trần Hưng Hồng, con dâu là Đặng Thị Phương Dung, là thành hoàng làng).  Nơi đây lưu giữ cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
 
Từ chỉ dẫn nơi thờ Thành hoàng Trần Hưng Hồng trong sách Thần tích thần sắc, lưu trữ tại Thư viện khoa học xã hội, 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi về thôn Ư Trì, thôn Đại Trạch. Nơi đây rất gần các di tích nổi tiếng của xứ Kinh Bắc như: chùa Xuân Quan (chùa Huệ Trạch), chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu, làng tranh Đông Hồ, đền thờ Kinh Dương Vương. Từ  Đại Trạch về đền Kiếp Bạc, nơi có đền thờ gia đình Trần Hưng Đạo thuộc tỉnh Hải Dương bằng bộ hành chừng 30 km.
 
Bản khai thần tích thần sắc phong tục thờ thành hoàng làng năm 1938 của chính quyền sở tại ghi: Đại Trạch 大澤 xưa là làng, chia làm 3 thôn: Ư Trì, Tứ Kỳ, Phúc Lâm thuộc tổng Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Nay là thôn Ư Trì, thôn  Đại Trạch, thôn Ư Trì cách Đại Trạch chừng 700m. Nơi đây có đình thờ (có lẽ là miếu thờ), sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) và phần mộ vợ chồng con giai, con dâu Trần Hưng Đạo là Trần Hưng Hồng 陳興洪(chữ hồng mang nghĩa: cả, lớn), Đặng Phương Dung 鄧芳蓉(còn đọc là Dong, chữ này là tên một loài hoa). Đình thôn Đại Trạch thờ Thành hoàng Trần Hưng Hồng và vợ là Đặng Phương Dung. Đại Trạch còn có đền  thờ Trần Hưng Đạo 陳興道 và vợ là Quế Hoa Nương 桂花娘. Bản khai thần tích thần sắc phong tục ghi: Hưng Đạo lấy đức thánh mẫu, tên là Quế Hoa Nương, người làng chúng tôi (làng Đại Trạch), lập làm Đệ Nhị Cung Phi.
 
Về người con trai của Trần Hưng Đạo và Quế Hoa Nương, thần tích kể (tóm tắt): Trần Hưng Hồng thi đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, được giao chức Tham mưu chi sự Chưởng lãnh binh nhung. Sau trận đánh thắng giặc Nguyên, ông được phong chức Binh Bộ Thượng thư. Ông đi tuần thú thiên hạ, đóng quân ở làng Đại Trạch, kết hôn cùng Đặng Phương Dung. Sau một năm, vua lệnh đi đánh giặc ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương), đánh một trận, giặc nhà Nguyên tan chạy. Giặc Nguyên xâm lược lần thứ 3, vua sai ông cùng cùng cha, các anh: Hưng Võ, Hưng Hiến, Hưng Nhượng, Hưng Trí đánh trận Bạch Đằng Giang, bắt sông Ô Mã Nhi. Thắng giặc, ông được vua ban yến tiệc, ban sắc: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ Bộ Thượng thư, Kiêm tri khu mật, Thái bảo kiêm Quốc công.  Sau đó, ông về đóng đồn ở làng, triệu phụ lão, nhân dân mở yến tiệc ba ngày. Đang trong ngày tiệc thì vợ bị nhức đầu, mất đột ngột. Mai táng vợ ở thôn Ư Trì xong, ông đi tìm sinh phần. Được thiên thần mách bảo, Đại Trạch là “vạn cổ phương danh” và bảo: giặc đã tan, nước đã yên, triệu ông về trời. Ông ra chốn minh đường, tắm gội sạch sẽ, rồi hóa (từ trần). Dân ra thăm thì mối đã xông thành mộ. Tin báo về triều đình, vua sai người về tế lễ, sắc phong cho ông và phu nhân, giao cho dân làng Đại Trạch, Ư Trì phụng sự.
 
Thời Lý Thần Tông (1128 - 1138), làng Đại Trạch có người con gái tu luyện đạo Phật, hiệu danh là Pháp Thông, dựng chùa ở làng Xuân Quan, gọi là chùa Huệ Trạch (cách Đại Trạch chừng hơn 1 km).  Năm 18 tuổi bà mất, được tạc tượng thờ, được vua ban tặng mỹ tự: Đại thánh, Pháp thông, Vương Phật, Túy mục, Thượng đẳng thần. Dân làng cầu đảo bà phù hộ đều ứng nghiệm. Vua giao cho làng Xuân Quan, Đại Trạch thờ cúng bà. Pháp Thông từng phù hộ Trần Hưng Hồng đánh thắng giặc ở trận Bạch Đằng Giang. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Hồng về tạ ơn vị thần có công âm phù. Nghi thức và lễ vật này được tái hiện trong lễ phong áo (lễ tạ ơn), khi Đại Trạch tổ chức lễ rước lên chùa Xuân Quan ngày 11, tổ chức tế lễ ngày 12, rước về Đại Trạch ngày 13 tháng Tư (ÂL) hàng năm.
 
Làng Đại Trạch từng lưu giữ 5 sắc phong vua ban cho Trần Hưng Hồng, 4 sắc phong vua ban cho Đặng Phương Dung. Sắc phong thuộc niên đại: Cảnh Hưng năm thứ 28, Quang Trung năm thứ 2, Tự Đức năm thứ 10, Duy Tân năm thứ 3, Khải Định năm thứ 9. Quy định về tế lễ (nơi tế, kiêng kị, nghi thức, lễ vật v,v… ) thành hoàng, được ghi trong 9 điều tại bản Khai thần tích thần sắc, phong tục làng Đại Trạch, Ư trì. Đình Đại Trạch được xếp hạng cấp quốc gia số 225 ngày 17 tháng 9 năm 1994. Đình Ư Trì (cách khu lăng mộ Trần Hưng Hồng và phu nhân chừng 70m), xưa thuộc loại đình lớn, năm 1962 bị hạ giải, chỉ còn hậu cung. Năm 2007, nhân dân, chính quyền, đoàn thể thôn Ư Trì tôn tạo nhà tiền bái bằng chất liệu bê tông, mái ngói, sân gạch trong khuôn viên 1.000m2. Đình Ư Trì chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
 
Tiểu sử và công trạng của Trần Hưng Hồng được Văn bia: “Đại thánh Pháp Thông Phật phả lục” do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thời Lê Chân Tông (1643 - 1649). Nội dung văn bia được tóm tắt như sau:
 
Xã Đại Trạch (ở gần Xuân Quan) là quê hương bà Quế Hoa Nương, văn bia ghi: Tây Cung Phu Nhân, bản Khai thần tích thần sắc phong tục thờ thành hoàng làng năm 1938 ghi: Đệ Nhị Cung Phi của Trần Hưng Đạo. Năm ngoài ba mươi tuổi, một hôm Quế Hoa Nương nằm mơ thấy một vị tiên ông râu mày xanh, đầu đội mũ bách linh, mình mặc áo long bào màu tía, đeo đai ngọc, cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống trao cho một nắm râu rồng, một quả ấn vàng và nói: “Đây là Ngọc Hoàng ban cho để làm báu vật”.
 
Quế Hoa Nương tỉnh dậy, liền kể lại cho Trần Hưng Đạo biết. Ông bèn nói: “Nhà ta phúc đức có thừa nên trời ban điềm tốt. Khí đất linh thiêng, hẳn có thiên tài giúp nước mà giáng làm con ta vậy”. Sau đó Quế Hoa Nương có thai rồi sinh hạ một trai vào giờ Thìn, ngày 12 tháng Giêng. Lúc mới sinh người con trai đã có tướng mạo phi phàm, mạnh khoẻ như gấu, mắt sáng như sao, hàm én râu rồng, mày hổ trán lân, tay dài quá gối, bụng to rốn sâu. Cha mẹ đặt tên là Trần Hưng Hồng.
 
Lên năm tuổi, Trần Hưng Hồng về Vĩnh Thế học thầy Lý Đường. Năm Giáp Thìn, Trần Hưng Hồng dự thi, đỗ tiến sĩ, được vua Trần cử giữ chức Tham tri chính sự. Chuẩn bị lực lượng chống quân Nguyên- Mông xâm phạm bờ cõi, Trần Hưng Hồng đem 1.000 quân bản bộ về đóng tại Đại Trạch. Ông lập quân doanh ở đầu làng, trước có ao lớn, sau có gò cao, bên trái có giếng to, bên phải có đường thiên lí. Ngày 29-10 trong khi đi thị sát đội hình, tướng quân Trần Hưng Hồng gặp gỡ nàng Đặng Phương Dung xinh đẹp, con gái ông bà Đặng Thành, bèn xin cưới làm phu nhân.
 
Năm sau, quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta. Trần Hưng Hồng, phụng mệnh cha, đóng quân doanh ở Đại Trạch, được Pháp Thông ở chùa Xuân Quan hiển linh giúp đánh thắng giặc. Trần Hưng Hồng đem quân hợp binh với cha đánh giặc. Trải nhiều trận chiến quyết liệt, cuối cùng giành thắng lợi, được vua Trần phong chức, tước: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hộ Bộ Thượng thư, kiêm Tri khu mật, Thái bảo, kiêm Quốc công. Trần Hưng Hồng tâu xin vua Trần phong sắc cho Pháp Thông và ban tiền để sửa sang tượng phật, tu bổ, tôn tạo chùa.
 
Ngày 12 tháng 5 năm Quý Mão, Trần Hưng Hồng cùng Phương Dung phu nhân về thăm quê Đại Trạch, ban thưởng rất hậu cho dân làng. Trong chuyến đi này, Phương Dung bị cảm qua đời. Mộ táng tại gò đất hình con công, gần quân doanh ngày trước. Năm sau, vào ngày 10 tháng 3, Trần Hưng Hồng về viếng mộ phu nhân thì lại bị cảm và qua đời tại làng. Mộ táng tại sinh phần do ngài đã chọn từ trước, nơi gần mộ phu nhân. Vua Trần hay tin, cử quan đại thần về tế lễ, cho xây lăng, lập đền thờ tại dinh cũ, ban sắc, tặng mỹ tự cho Trần Hưng Hồng, Đặng Phương Dung, giao cho dân hai làng Tứ Kì, Ư Trì thờ làm thành hoàng làng.
 
 
Hội làng Đại trạch tổ chức ngày 12 tháng Giêng (ngày sinh), với quy định về vật phẩm, sự kiêng kị nơi thờ cúng, nghi thức tế lễ thành hoàng làng. Di tích còn nhiều cổ vật là bia đá, đồ thờ (mâm bồng, hoành phi, câu đối cổ), sắc phong, ngôi đình và đền thờ cổ kính. Dân làng Đại Trạch, Ư trì còn lưu giữ di sản phi vật thể như: sự tích thành hoàng làng khắc in trong bia đá, niên đại triều Vua Lê Chân Tông (1643 - 1649); câu chuyện truyền khẩu về vị sư Pháp Thông ở chùa Xuân Quan đã âm phù giúp Trần Hưng Hồng đánh thắng giặc Nguyên- Mông, về phong tục “lễ tạ ơn” và nghi thức lễ hội làng.
 
Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thờ gia đình Trần Hưng Đạo, gồm cha mẹ, các con giai, con gái, con rể. Ngôi đền nổi tiếng về sự linh thiêng, được Nhà nước cấp bằng Di tích quốc gia đặc biệt. Tại thôn Đại Trạch, Ư Trì xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đang lưu giữ nơi thờ gia đình thứ hai của Trần Hưng Đạo, hiện diện cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là tư liệu quý giá, làm phong phú lịch sử và tín ngưỡng thờ gia đình người có công với dân, với nước, gia đình Trần Hưng Đạo. Thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp của hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Ban quản lý 2 di tích cần thể hiện bằng những công việc cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
 
Đặng Văn Lộc
 
 
Ảnh minh hoạ:
1- Đình làng Đại Trạch, di tích cấp quốc gia.
2- Sắc phong năm Duy Tân 3 (1909), thôn Ư Trì lưu giữ.
3- Lăng mộ Trần Hưng Hồng và phu nhân
==================
 

Cập nhật lần cuối: 10/23/2014 12:29:26 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb