HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng Họ

Chuyện bây giờ mới kể về đồng chí Trường Chinh

7/29/2018 6:22:00 PM

 Chuyện bây giờ mới kể

 

Đồng chí Trường Chinh: “Không được lấy tiền ngân sách”

                                           Đại tá Phạm Quy
        Nguyên Trưởng phòng Tham mưu
        Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an
 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi cùng gia đình sống tại xã Long Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là vùng tự do nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ ta. Trong những lần đi sinh hoạt thiếu nhi, tôi được nghe các anh phụ trách kể nhiều chuyện về Tổng Bí thư Trường Chinh, có một chi tiết tôi vẫn còn nhớ mãi. Đó là, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư vì “mắt ở trên tai”. Năm 1953, khi được lên huyện dự Hội nghị học sinh giỏi, tình cờ vào hiệu sách lần đầu tiên tôi nhìn thấy trên tường có treo ảnh của Bác Hồ cùng ảnh của các đồng chí lãnh đạo khác, như: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Thập và cả ảnh của Lê-nin, Sta-lin, Mao Trạch Đông… Tôi cứ đứng ngắm nhìn mãi ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh thì thấy đúng là mắt ở trên tai thật. Chi tiết này cứ đeo bám tôi mãi cho tới khi trưởng thành.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi được tuyển vào ngành Công an và công tác trong lực lượng Cảnh vệ. Điều quá bất ngờ là tôi lại có vinh dự được phân công về đơn vị bảo vệ đồng chí Trường Chinh. Khi đến nhận nhiệm vụ, được nhìn thấy đồng chí Trường Chinh từ trong phòng bước ra, tôi vừa vui, lại vừa lúng túng trước vị lãnh đạo cao cấp bằng da, bằng thịt đây rồi. Tôi liền đứng nghiêm chào. Từ từ đi về phía tôi, ông tới bắt tay rồi hỏi: -“Đồng chí mới đến à, tên là gì, bao nhiêu tuổi, vào ngành đã lâu chưa, có là đảng viên không, học lớp mấy rồi…?”. Chính sự gần gũi và thân tình đó của đồng chí Trường Chinh đã giúp tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi lần lượt trả lời tất cả những câu hỏi ấy một cách rất trôi chảy và nhận thấy sự hài lòng hiện ra trên khuôn mặt phúc hậu của ông.
Trong lúc cùng trò chuyện, tôi mới có dịp ngắm nhìn kỹ đồng chí Trường Chinh và chi tiết “mắt trên tai” ấy từ những năm xưa lại hiện về trong đầu. Đồng chí Trường Chinh nghe tôi trả lời xong thì bảo: - “Thôi, đồng chí làm việc đi” và bước vào phòng. Tôi nhìn theo cứ cười thầm về chi tiết “mắt trên tai” ấy bởi sự ngô nghê trẻ con của mình.
 Thế rồi, vào một buổi tối mùa Hè năm 1968, anh em bảo vệ chúng tôi đang ngồi uống nước và nói chuyện với nhau ở ngoài sân thì đồng chí Trường Chinh đi sang. Chúng tôi đứng cả dậy chào và mời đồng chí ngồi. Đồng chí vẫy tay bảo mọi người cùng ngồi xuống và hỏi anh em có chuyện gì mà vui thế. Trong lúc đồng chí Trường Chinh đang vui chuyện với anh em thì tôi nói: “Thưa anh, có một câu chuyện từ hồi kháng chiến chống Pháp kể về anh, xin anh cho phép nói được không ạ?”. Đồng chí Trường Chinh gật đầu bảo: -“Ừ, anh cứ nói đi”. Tôi rụt rè: “Dạ, câu chuyện ngày đó nói về anh có một chi tiết là sở dĩ anh được bầu làm Tổng Bí thư vì mắt ở trên tai ạ”.
Nghe tôi nói xong, đồng chí Trường Chinh cười rất vui, ghé sát vào tôi rồi hỏi: “Thế bây giờ anh nhìn xem, mắt tôi có ở trên tai thật không?”. Tất cả mọi người cùng cười vang sau câu hỏi của đồng chí. Tôi vội thưa: “Dạ, xin lỗi anh vì thời đó còn trẻ, vả lại nhìn lên ảnh của anh treo ở trên cao thì thấy mắt như là ở trên tai vậy. Nhưng bây giờ được trực tiếp gặp anh thì nhìn lại thấy không phải thế đâu ạ. Mong anh tha lỗi”. Đồng chí Trường Chinh lại cười rất hiền hậu rồi vỗ nhẹ vào vai tôi nói: -“Không sao đâu, cũng là một chuyện vui ấy mà!”.
Càng ở gần, tôi càng nhận thấy được đạo đức trong sáng, trí tuệ uyên thâm, tài năng sắc sảo, phong cách sống và làm việc lúc nào cũng ung dung, thư thái của đồng chí Trường Chinh, nhất là sự cẩn thận và nghiêm túc cả trong công việc, lời nói cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Có lẽ vì thế mà không phải ngẫu nhiên Bác Hồ lại đặt bí danh cho đồng chí là “Thận”. Đặc biệt, tình cảm chan hòa, luôn gần gũi và quan tâm tới mọi người cũng như đạo đức trong sáng và sự liêm khiết của ông đã để lại nhiều ấn tượng rất sâu đậm trong cuộc đời tôi mà chỉ riêng hai chuyện kể ra dưới đây cũng đủ để chúng ta phải suy nghĩ.
Câu chuyện thứ nhất: Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh mồng 2 tháng 9 và Tết Nguyên đán, đồng chí Trường Chinh lại tổ chức một bữa cơm thân mật mời tất cả anh chị em bảo vệ và phục vụ chúng tôi cùng dự. Dù là thời kỳ bao cấp, lương thực, thực phẩm còn rất nhiều khó khăn, nhưng đồng chí vẫn nhắc nhở gia đình phải làm thật chu đáo và tươm tất. Đến một năm, tình cờ tôi nghe được một câu chuyện giữa hai vợ chồng đồng chí. Đó là vào buổi tối một ngày sắp đến dịp kỷ niệm Quốc khánh, hai vợ chồng đồng chí Trường Chinh cùng đi dạo quanh nhà, chị Minh đề nghị đồng chí Trường Chinh nói với Văn phòng Trung ương chi tiền để gia đình chuẩn bị làm cơm mời anh chị em bảo vệ và phục vụ. Nghe vợ nói vậy, đồng chí Trường Chinh gạt đi và bảo: “Không được, vì đây là tôi mời nên không thể lấy tiền từ ngân sách. Cấm không ai được báo với Văn phòng chi tiền đấy, mà cứ chi vào tiền lương của tôi”. Nghe câu chuyện đó, tôi vừa xúc động, lại vừa cảm phục đồng chí Trường Chinh, mặc dù với cương vị của mình, đồng chí có thể nói Văn phòng chi tiền để làm cơm mời anh chị em bảo vệ và phục vụ chúng tôi.
Câu chuyện thứ hai: Đó là một buổi sáng Chủ nhật, nhân ngày nghỉ, đồng chí Trường Chinh có yêu cầu chúng tôi đưa vào Cửa hàng Mậu dịch Quốc tế ở phố Lê Thái Tổ để xem hàng. Khi đến quầy bán vải, tôi thấy đồng chí đứng cạnh cuộn vải ka ki màu xanh sĩ lâm một hồi lâu, tay cứ vê vê miếng vải. Tôi liền tiến sát thì đồng chí quay sang hỏi: -“Anh thấy thế nào, có đẹp không?”. Đúng là màu vải này đẹp thật nên tôi trả lời ngay: Thưa anh, vải này đẹp đấy ạ, anh mặc rất hợp. Sở dĩ nói thế bởi tôi biết đồng chí Trường Chinh thường may quần áo đại cán màu này. Rời quầy vải, đồng chí nói nhỏ đủ để tôi nghe: “Hôm nào có lương, tôi sẽ mua mấy mét về may thêm một bộ đại cán nữa anh Quy ạ”.
“Hôm nào có lương…” câu nói ấy của đồng chí Trường Chinh đã thật sự gây xúc động làm tôi ứa nước mắt, tôi vội quay đi và chỉ trả lời: Vâng ạ. Ngồi trên xe, suốt từ Cửa hàng Mậu dịch Quốc tế cho tới lúc về đến nhà, trong đầu tôi cứ luôn nghĩ về câu nói ấy và tự nhiên sao thấy thương đồng chí Trường Chinh quá. Một vị nguyên thủ Quốc gia muốn may một bộ quần áo vải mà còn phải chờ “hôm nào có lương”.
Sáng hôm sau, tôi sang gặp anh Đỉnh là Trưởng phòng Quản trị của Văn phòng Trung ương kể lại chuyện đó, cũng chỉ để cho biết. Tôi không ngờ, anh Đỉnh lại quyết định mời thợ may đến nhà để lấy số đo của đồng chí Trường Chinh. Thấy vậy, đồng chí hỏi sao lại lấy số đo để làm gì? Anh Đỉnh vội thưa là nghe thấy anh Quy bảo anh muốn may một bộ đại cán nên hôm nay đưa thợ đến đo. Đồng chí Trường Chinh tỏ ra không vui, bảo: -“Thôi anh đưa thợ về đi, không phải lo cho tôi việc này đâu”. Sau đó, đồng chí cho gọi tôi vào và bảo: -“Đây là việc của cá nhân tôi, sao anh lại nói với anh Đỉnh làm gì để làm phiền cho cơ quan. May quần áo cho mình lấy tiền của mình là đúng, sao có thể dùng tiền ngân sách được. Những việc như thế này từ nay về sau, các anh nhớ không ai được nói với Văn phòng nghe chưa”. Về phía mình, tôi chỉ còn biết xin lỗi và hứa sẽ làm đúng lời anh dặn.   
Nhớ lại hai câu chuyện trên, khi được biết về những việc ăn tiêu ngày nay của một số cán bộ mà các phương tiện thông tin đại chúng đã từng phản ánh, tôi cảm thấy rất buồn. Bởi không ít nơi, cán bộ coi ngân sách là “tiền chùa” nên họ cứ ăn tiêu bạt mạng, có xã cán bộ ghi sổ nợ tiền ăn của nhà hàng lên tới cả tỷ đồng, có xã còn vỡ nợ vì “cán bộ đi hát suốt” và thậm chí có nơi còn tiếp khách đến mức hết cả tiền chi thường xuyên nên lãnh đạo đơn vị đã phải ký tờ trình đề nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí để “giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ”. Khi ăn tiêu như vậy, chẳng hiểu những cán bộ ấy có nghĩ rằng họ đang tiêu vào tiền thuế của dân, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu nữa. Thật là xót xa và đau lòng vì những đồng tiền thuế đó đang bị chi sai mục đích mà vẫn… “đúng quy trình”. Trong hoàn cảnh đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tài chính của đất nước còn eo hẹp, nợ công vẫn còn cao thế mà cán bộ cứ ăn nhậu, chi tiêu, biếu xén xả láng để rồi ngân sách lại phải è cổ ra mà chi trả thì liệu có được không? Đến bao giờ cái nghịch lý này mới chấm dứt? Trách nhiệm này thuộc về ai đây? Phải làm sao đây?
 

                                       Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2018.

 
 

Tác giả trong một lần bảo vệ đồng chí Trường Chinh đón Đoàn Chủ tịch Quốc hội Tiệp Khắc

 tại sân bay Gia Lâm (tháng 3 năm 1973

Cập nhật lần cuối: 7/29/2018 6:22:00 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb