HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Nghiên cứu trao Đổi

ĐẶNG THÁI SƠN - MỘT ĐỈNH NÚI LẠ

7/15/2018 11:41:37 AM

 ĐẶNG THÁI SƠN - MỘT ĐỈNH NÚI LẠ

 
 Nguyễn Thụy Kha
 
           Năm ấy, khi các bạn tôi: Đào Trọng Khánh và Trần Văn Thuỷ làm phim “Hà Nội trong mắt ai”, họ đã không quên nhắc tới phố Tống Duy Tân, nơi có căn gác sinh ra Đặng Thái Sơn. Khi ấy Sơn vừa được giải nhất trong cuộc thi Chopin lần thứ 10 (1980). Và họ đã dự báo trước một điều rồi đây đất nước không thể làm khác được. Đây là phải có trước căn nhà ấy một cái biển đồng khắc chữ: “Nơi đây, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn đã sinh ra và sống những năm tuổi trẻ”.
            Sơn là kết quả tình yêu của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ Piano Thái Thị Liên. Sơn sinh vào năm Mậu Tuất 1958, năm khốn khó nhất của Đặng Đình Hưng trong cuộc đấu tranh “Nhân văn giai phẩm”. Trong khốn khó ấy, cả hai người chỉ biết đặt tên cho con chứ đâu nghĩ rằng Đặng Thái Sơn đồng nghĩa với việc “được một đỉnh núi cao”. Nhưng dưới tầm bom đạn Mỹ, tại một vùng quê sơ tán miền Kinh Bắc, một nhạc sĩ thế giới đã bước vào định mệnh của cậu bé 7 tuổi. Đó là Chopin với những bản Ma - duyếch – ca, Nốc - tuyếch trong sáng và huyền diệu kỳ lạ. Cũng lúc ấy, ở xứ Đông, có một thần đồng thơ nào đó đã nhập vào cậu bé Trần Đăng Khoa – cũng tuổi Mậu Tuất như Sơn – và cậu bé đã phát lộ ra một thế giới trẻ con làm toàn thế giới phải kinh ngạc trong những năm chống Mỹ.
         Song định mệnh không bắt Sơn phải nổi tiếng ngay như Khoa, mà lại đưa Sơn đi qua một nẻo khác không mấy dễ dãi. Năm 1970, sau khi mẹ Sơn - nghệ sĩ Thái Thị Liên đi thi giải Chopin về, mang về theo rất nhiều sách, tác phẩm và đĩa Chopin thì gần như là định mệnh đã quyết gắn chặt cậu bé 12 tuổi này vào với nhạc sĩ thiên tài của trường phái lãng mạn mà bàn tay chơi đàn dường như còn nhỏ máu tới hôm nay. Lúc này, Sơn đã theo học ở Nhạc Viện Hà Nội.
         Năm 18 tuổi là bước ngoặt lớn đối với Sơn. Sơn đã được cử sang học ở Nhạc viện Tchaikốpski (Liên Xô cũ). Và năm 22 tuổi, bằng nghị lực của mình, bằng lời khẳng định khả năng của người thầy Nqtanson, bằng những giúp đỡ, sẻ chia của bạn bè, Sơn đã tới cuộc thi Chopin lần thứ 10 như trôi trong một giấc mơ. Và ở đây Sơn đã làm ra một huyền thoại mới cho Việt Nam. Trong cuộc chạy maratoong tới nghệ thuật của nhân loại, lần đầu tiên có một chàng trai Việt Nam tên là Đặng Thái Sơn đã cắm một mốc vinh quang vào cuộc thi Chopin lần thứ 10.
             Còn Sơn, vinh quang đã đặt Sơn ở một hành trình mới, hành trình từ một thí sinh được giải Chopin tới một nghệ sĩ pianô tầm cỡ thế giới. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp, giáo trình của thầy Nqtanson, Sơn tiếp tục học thầy Dimitry Bahkirov. Bên cạnh việc thụ giáo nghề nghiệp, Đặng Thái Sơn còn liên tục hành trình biểu diễn qua hơn 30 quốc gia trên 4 châu lục: Âu, Mỹ, Á, Úc. Các tác phẩm nổi tiếng thế giới đã được Sơn biểu diễn khi thì độc tấu, khi thì với các dàn giao hưởng tên tuổi với các nhạc trưởng nổi tiếng thế giới. Sơn còn thu âm ở nhiều phòng thu nổi tiếng như: CBS Song, Victor JVC, Melodya...
         Một hành trình như Sơn đâu có dễ dãi. Vừa nỗ lực tập luyện, còn phải học tập và tiếp tục biểu diễn ở rất nhiều nơi. Ở Nga, Sơn đã không thực hiện được ý định sang Viên với thầy Ban-tô-sap-ko hay sang Pari với thầy Pi-e Xăng-ca. Ý chí vươn tới tầm nhân loại của một nghệ sĩ pianô của Sơn hết sức xa lạ với tầm nhìn của những cán bộ hành chính cho lắng các chế độ, thủ tục. Bức xúc đó đã buộc Sơn phải tự tìm lấy lối thoát. Sơn nhận sang Nhật làm giáo sư ở Nhạc viện Kunitachi Tokyo. Nhờ quyết định này, trong bốn năm ở Nhật, Sơn đã biểu diễn được trên một trăm buổi ở các nơi, trên các hòn đảo hưng thịnh của âm nhạc giao hưởng cổ điển trong thập kỷ 80.
    Nhưng ở Nhật mà đi biểu diễn bên Châu Mỹ thì đường sá thật xa xôi. Lại một quyết định mới. Sơn đã chọn xứ sở Canada làm nơi lưu trú để từ đó toả đi biểu diễn ở nhiều nước Châu Mỹ. Ở những nơi lưu trú đó, Sơn có thể dễ dàng đi tới bất kỳ nơi nào biểu diễn. Việc dễ dàng ấy nếu ở trong nước thì quả là một việc cực kỳ khó khăn. Chúng ta đã đổi mới. Song gánh nặng của thói quen cũ thời bao cấp còn đè nặng lên các thủ tục hành chính dù đã lỗi thời nhưng vẫn chưa thay đổi nổi. Với Sơn, đó là chuyến đi công tác dài của một người Việt Nam - một công tác thực hiện ý nguyện của dân tộc và của chính sự nghiệp mà mình vươn tới. Thấm thoắt thế mà đã 30 năm Sơn xa đất nước để rồi thỉnh thoảng trở về biểu diễn một vài đêm. Thấm thoắt thế mà đã ngoài 50 tuổi đời, đã từ Mậu Tuất mà tới Canh Dần (2010). Thấm thoắt... thấm thoắt từ một thí sinh được giải Chopin đã trở thành nghệ sĩ piano có tầm cỡ quốc tế. Các báo cáo quốc tế có những bình luận trung thực về Sơn: “...Anh là một dương cầm gia bậc nhất với một ấn tượng đáng tin cậy. Kỹ thuật khó ngờ và sự tự tin” (Franfrirter Allgemeine Zeiting – Tháng 11/1988). “...Duyên dáng và minh mẫn, đặc biệt là khi chơi với một trực giác không có sự hướng dẫn nào. Hà Nội, nơi sinh ra Đặng Thái Sơn... sức nặng những ngón đàn của anh đã giữ một sự cân bằng và chất thơ” (The Times, London 25/3/1991). “Một dương cầm gia trẻ xuất chúng...” (Tạp chí Âm nhạc Mỹ, 5/1991). “Đây là một chiến thắng được chơi với một trực giác quan tốt nhất...” (The Gazêtt Montreal 17/4/1993). “Đặng Thái Sơn, chàng trai Việt Nam chơi bản Concerto của Richatmaninov cung Đô thứ đã hội tụ đầy đủ cái đẹp, chất thơ và dung dị. Âm hưởng mạnh mẽ được xen kẽ với những nét tinh tế bởi đôi bàn tay khéo léo...” (The Japan Times – Tokyo 20/6/1993)
         Mỗi lần về Việt Nam, cái làm Sơn bất ngờ nhất là sự đổi mới của đất nước mình. Công chúng âm nhạc đã nhiều hơn và tinh tế hơn. Ngược lại, tài năng càng ngày càng phát lộ của Sơn càng làm bất ngờ nhiều người trong nước. Sơn chơi Chopin như định mệnh, chơi Grieg như gợi về một nàng Solvec chung thuỷ. Sơn chơi Rach maninov như tìm ở đấy sự đồng cảm của nỗi ly hương. Còn chơi Ravel nhạc sĩ của trường phái ấn tượng Pháp là để chia sẻ một cái nhìn nhân bản trước tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại chứa chất đầy rẫy những mâu thuẫn và bi kịch cùng sự phát triển. Thể hiện bản “La Valse” của Ravel, Sơn đã khiến cho nhiều người khách nước ngoài có mặt ở Việt Nam thưởng thức buổi biểu diễn đã phải thốt lên kinh ngạc.
      Hành trình của cuộc “tạo sơn” này còn dài. Nhưng cho đến nay có thể  nhận ra một dáng vẻ riêng biệt của Đặng Thái Sơn - một đỉnh núi lạ. Rất đáng tự hào của người Việt Nam ta.

Cập nhật lần cuối: 7/15/2018 11:41:37 AM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb