ĐỨC ÔNG THẦN CHỦ VÀ DI TÍCH ĐỀN CỬA ÔNG
5/28/2014 12:01:37 PM
ĐỨC ÔNG THẦN CHỦ VÀ DI TÍCH ĐỀN CỬA ÔNG
Đền Cửa Ông nổi tiếng linh thiêng được khách thập phương tín ngưỡng bởi thờ tự tới 3 thành hoàng được sắc phong, từng hiển linh, trong đó nổi bật là đức ông Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Ngay từ khi mới chỉ là am cỏ, nơi đây đã được "khách vãng lai thường mộ cúng dâng”.
Từ hàng trăm năm nay, khi nghĩ tới đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), hầu như mọi người đều nghĩ đó là nơi thờ tự chính của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Vị danh tướng này là con trai thứ 3 của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Bản thân đức ông Trần Quốc Tảng cũng là người có huân công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên có công bảo vệ vùng biên ải, biển đảo Đông Bắc trọng yếu của Tổ quốc và dẹp loạn nhiều nơi. Ngài từng được sắc phong làm Tiết Độ sứ nắm giữ binh quyền, chính quyền một vùng Đông Bắc, làm đại vương lúc sinh thời và truy phong là Thái úy sau khi hóa. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa thật đủ nếu chưa biết là đền Cửa Ông còn thờ hai vị thần hoàng bản xứ, một là nhiên thần có tên gọi là Trung thiên Long mẫu, một là nhân thần có tên là Hoàng Cần, đều hiển linh, đều được các triều đại sắc phong và được dân chúng tôn phong là Thần hoàng đền Cửa Suốt (Cửa Ông).
Thực tế lịch sử đã chứng minh, con đường thủy, bộ qua cửa Suốt thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang xưa (Quảng Ninh nay) là "con đường xâm lược” gần nhất của giặc phương Bắc đối với nước ta. Vị trí hiểm yếu (địa linh) ấy cần có người "tú dục anh chung” (nhân kiệt) trấn giữ. Cùng các vị thần hoàng bản xứ và chư vị linh thần khác, đức ông Trần Quốc Tảng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, xứng đáng là Ông Thánh Cửa Suốt, là Đông Hải đại vương, thần chủ của một cõi tâm linh càng ngày càng thịnh.
Thư tịch cổ ghi chép về đức ông Trần Quốc Tảng hiện còn rất ít. Với tinh thần khoa học và trách nhiệm cao, các nhà nghiên cứu đã dựa vào ghi chép trong chính sử, trong các kinh sách, sắc phong, văn bia, câu đối Hán Nôm để xác định, làm rõ nhiều nội dung về nhân vật này. Thân thế, sự nghiệp của đức ông Trần Quốc Tảng được trình ra trong tổng hòa các mối quan hệ đối với gia đình, vương triều Trần và lịch sử dân tộc suốt 176 năm mà dòng tộc này trị vì. Theo đó, việc xác định ngài sinh vào năm 1252 là không chính xác. Bởi ngài là con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo mà thân phụ và thân mẫu của ngài lại được xác nhận là kết hôn vào năm 1251. Vậy là, khai sinh sớm nhất của ngài cũng phải vào năm 1254 và nếu ngài hóa vào năm 1313 thì hưởng thọ 60 tuổi. Về chuyện do mắc lỗi với cha mà ngài bị đày ra canh giữ cửa Suốt cũng được lý giải khách quan hơn. Nếu đó là chuyện diễn ra vào thời điểm năm 1300 (như có sách chép) khi Quốc công ốm nặng mới mâu thuẫn với ngài thì không đúng, vì đức ông Trần Quốc Tảng ra trấn giữ Cửa Suốt từ năm 1285. Nếu chuyện đó diễn ra vào năm 1285 thì cũng vẫn có phân vân vì một địa điểm trọng yếu của quốc gia như thế, vị thống soái tài ba là Trần Hưng Đạo không thể giao cho một kẻ "bất trung, bất hiếu” trấn giữ. Vậy, hợp lý nhất, chỉ có thể là do tài thao lược của Trần Hưng Đạo, do hiểu con, biết dùng tài và khéo gỡ mối bất hòa gia tộc để chung lo việc nước nên đã có quyết định ấy. Như vậy, dù có thăng trầm, với những gì mà lịch sử minh chứng và lòng dân tôn thờ, đức ông Trần Quốc Tảng vẫn là vị Thánh tổ Biên phòng Việt Nam trấn giữ oai hùng miền biên cương, biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc cách nay đã 700 năm.
Cùng với giá trị tự thân, đền Cửa Ông còn là hạt nhân của nhiều di tích lịch sử - văn hóa đời Trần nằm nơi miền Đông Bắc từ Ba Chẽ, Vân Đồn đến thành phố Hạ Long. Thêm nữa, ngay bên cạnh đền, cụm di tích lịch sử cách mạng của Công ty Tuyển than Cửa Ông đã được xếp hạng cấp quốc gia vừa là tài sản vô giá, vừa là minh chứng sinh động về sự tiếp nối truyền thống anh hùng trên miền "địa linh” này.
Mới đây, nhân tưởng niệm 700 năm ngày hóa của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (1313 - 2013), UBND TP Cẩm Phả cùng Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và Học viện Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về danh tướng này. Gần 30 nhà khoa học đến từ Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham dự và có đóng góp thêm nhiều nhìn nhận mới về vị thần chủ và di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt này, đặc biệt là việc cần sớm có quy hoạch cụ thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích đền Cửa Ông. Trước mắt, UBND TP Cẩm Phả sẽ phối hợp với các cơ quan tư vấn có trình độ chuyên môn cao lập quy hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo di tích phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương hiện nay cũng như tầm nhìn dài hạn. Theo đó, diện tích tổng thể khu di tích vào khoảng hơn 20 ha. Các di tích gốc được đầu tư, bảo tồn, trùng tu theo đúng nguyên tắc, được sắp xếp lại hợp lý theo hệ thống, tiến tới đề nghị Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho cả di tích đền Cửa Ông và cụm di tích lịch sử cách mạng thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông.
Cập nhật lần cuối: 5/28/2014 12:01:37 PM
-
Các tin khác
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG ĐẶNG CAO KHÔI TẠI LÀO CAI 09/10/2019
- VINH DỰ ĐƯỢC BÁC HỒ KẾT NẠP ĐẢNG 20/09/2019
- Các danh nhân tiêu biểu của họ Đặng dòng Lương Xá 31/10/2018
- Đặng Đại Độ - một vị quan thanh liêm, dũng cảm trị tội kẻ càn quấy 31/10/2018
- ĐOÀN KẾT DÒNG HỌ - KHÔNG THẾ LỰC NÀO PHÁ VỠ ĐƯỢC 31/10/2018
- Giỗ tổ Đặng Hiên tại Thành Phố hạ Long 31/10/2018
- Chuyện về Họ Đặng ở Lào Cai 31/10/2018
- Bài test 002 19/07/2018
- GS. Đặng Vũ Khiêu: Bền bỉ đồng hành cùng dân tộc 28/05/2014
- Chúc thọ cụ Đặng Văn Hòa - chiến sĩ cách mạng cựu nhà tù Côn Đảo 28/05/2014
- Hội thảo: Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng 28/05/2014
- Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp 28/05/2014