HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH

12/25/2011 4:43:05 PM

 ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH

Từ truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương Hành Thiện

GS. ĐẶNG ĐỨC AN


Đồng chí Trường Chinh tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, sinh tại làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay là làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là con trai trưởng cụ Đặng Xuân Viện (tục gọi Bốn Đễ), cháu nội cụ Đặng Xuân Bảng (tục gọi Tuần Đốc, vì trước làm tuần phủ, sau làm đốc học), trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học.

Cụ Đặng Xuân Bảng (1828-1910) tự Hy Long, hiệu Thiên Đình, Văn Phủ, sinh năm Mậu Tý (1828) tại làng Hành Thiện, tổng Hành Thiện, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đỗ cử nhân khoa thi hương năm Canh Tuất (1850) và đỗ tiến sĩ đệ tam giác khoa thi hội năm Bính Thìn (1856) đời Tự Đức thứ 9.

Cụ bảng là một thầy đồ nghèo, ở làng Hành Thiện (thân sinh của cụ là cụ Đặng Viết Hòe làm nghề dạy học, bảy lần đi thi hương toàn đỗ tú tài), là một học sinh rất thông minh, chỉ học thân phụ của mình, mà không được học một thầy nào khác vì nhà nghèo, nhưng nhờ ham học, đọc nhiều sách mà trở thành một người thông thái, hiểu nhiều, biết rộng và là người thi đỗ tiến sĩ đầu tiên ở làng Hành Thiện.

Sau khi thi đỗ tiến sĩ, cụ vào Huế làm việc ở Nội các (tức Văn phòng bí thư của nhà vua), một thời gian sau đó ra làm tri phủ ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) và ở Tân Bình (Tuyên Quang). Tại các phủ này, cụ làm việc rất siêng năng và cũng rất liêm khiết, dân chúng coi cụ như một vị phúc tinh.

Năm 1861, cụ được gọi về triều đình, giữ chức Giám sát ngự sử đạo Hải An. Cụ đã trình bày lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần về cải cách chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính… Thái độ thẳng thắn của cụ đã làm nhiều triều thần không ưa. Nhân án sát Quảng Yên bị cách chức vì đánh giặc Khách (Tàu) bị thua, Thượng thư bộ lại và bộ Binh đã đề nghị cử cụ ra Quảng Yên cầm quân dẹp giặc. Là quan văn, không có chút kiến thức và kinh nghiệm nào về quân sự , nhưng cụ vẫn phải tuân lệnh vua. Gấp rút tìm đọc sách về binh pháp và tiếp xúc với các vị võ quan đã từng xông pha trận mạc để học hỏi, khi ra Quảng Yên nhậm chức án sát, cụ đã tổ chức lại quân đội, luyện tập kỹ càng về thủy chiến, và đã đánh tan quân giặc Khách. Cụ trở thành nổi tiếng văn võ toàn tài. Sau đó cụ đã được bổ nhiệm làm bố chánh ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, rồi ở Thanh Hóa lần thứ hai, ở Hà Nội, Sơn Tây, rồi làm tuần phủ ở Hưng Yên. Ở đâu cụ cũng quan tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân, được nhân dân mến mộ.

Sau khi chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, âm mưu xâm chiếm cả nước ta. Cụ được triều đình cử đến trông coi Hải Dương, một vùng đất trọng yếu ở Bắc Kỳ. Đến Hải Dương, cụ chăm lo ngay việc luyện tập quân sĩ, củng cố thành lũy. Ngày 2 – 12 – 1873, một toán quân Pháp theo đường thủy đến Hải Dương, bắn phá vào thành. Cụ đốc thúc quan quân chống trả quyết liệt, nhưng vì sung ống của ta quá thô sơ, quân Pháp vẫn đổ bộ được vào thành, cụ cùng quan quân trong thành rút lui, bảo toàn được lực lượng. Triều đình cho việc mất thành là có tội, nên đã triệu cụ về Huế để luận tội. Sau đó, cụ đã buộc phải đi mộ dân phu lập đồn điền ( đồn điền Thục Luyện, thuộc huyện Bất Bạt, Hưng Hóa) để đoái công chuộc tội. Đến năm 1878, cụ được xóa án và được gọi ra làm quan, viện cớ mẹ già đang đau yếu, cụ xin được phép về quê, phụng dưỡng mẹ già. Năm 1886, nể lời bạn cũ đề cử, cụ ra làm Đốc học tỉnh Nam Định thêm hai năm nữa, rồi xin về hưu hẳn. Khi về hưu, cụ được giữ nguyên hàm tuần phủ.

Trong hơn 20 năm vào cuối đời (1888-1910), cụ trở về sống ở làng Hành Thiện, chú tâm vào việc dạy học, viết sách và khai khẩn đất hoang (lập ấp Tả Hành, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Tài dạy học của cụ vang lừng khắp Bắc Kỳ, nhiều học trò không chỉ ở Nam Định, Thái Bình mà ở các tỉnh xa như Hải Dương, Hưng Yên cũng đến Hành Thiện theo học cụ. Trong số hơn 300 học trò của cụ, có rất nhiều người đỗ đạt.

Cụ nghiên cứu và sáng tác đủ các ngành khoa học từ thiên văn, địa lý, y dược, bói toán, binh pháp cho đến văn học, triết học, lịch sử, chính trị, luật pháp, kinh tế…của cả phương Đông và phương Tây. Cụ đặc biệt lưu tâm khảo cứu, biên soạn các sách về địa lý, lịch sử, văn hóa và các ngành khoa học Việt Nam và đã để lại những tác phẩm có giá trị, như Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu Nam sử tiện lãm, Nam phương dabg vật bị khảo, Nam quốc địa dư, Tuyên Quang tỉnh phú… Trong bài tựa cuốn Việt sử Cương mục tiết yếu, cụ đã phê phán Quốc sử quan triều Nguyễn, theo lệnh Gia Long, đã hủy bỏ hết sự tích của triều đại Tây Sơn (1788-1802) là sai lầm.

Cụ cũng viết một số sách về luân lý, đạo đức để giáo dục con cháu ăn ở, cư xử sao cho phải đạo, như cuốn Cổ ki thiện ác kim, Cổ nhân ngôn hành lục, Cư gia khuyên giới tắc, Diễn huấn tục quốc âm (bằng chữ nôm), Huấn tử quốc âm ca (bốn bài ca bằng chữ nôm) và nghiên cứu tìm hiểu về Đức Thánh tổ của làng Hành Thiện như cuốn Quốc sư bảo lục, Thánh tổ hạnh thục diễn âm ca.

Cụ cũng hay làm thơ và viết tùy bút bằng chữ Hán và chữ nôm để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình. Cụ đã để lại các tập Thiện Đình thi (tập thơ bằng chữ Hán), Thiện Đình văn (tập văn xuôi thể tùy bút bằng chữ Hán), Khâm Định tập văn trích yếu (tập thơ thể ngũ ngôn bằng chữ Hán).

Ngoài ra trong thời gian làm việc ở Nội các Huế, cụ còn tham gia duyệt một cuốn sách chữ Hán là cuốn Nhân sự kim giám.

Cụ nhiều năm làm tiên chỉ làng (1898-1910), tiên chỉ tư văn làng (1856-1910) và huyện Giao Thủy (1877-1910). Cụ đã đứng ra tổ chức nhiều việc công ích cho làng và khuyến khích học trò cố gắng học hành, mở các cuộc bình giảng thơ phú ở văn chỉ để luyện tập thi cử cho các sĩ tử và cả luận đàm thế trong phong trào Đông Kinh Nghĩa thục ở làng.

Khi cụ mất (1910), toàn thể dân làng Hành Thiện, dân huyện Giao Thủy và các nhà Nho toàn quốc vô cùng thương tiếc. Hơn 300 học trò cũ của cụ đã đến chịu tang thầy. Nhiều câu đối, bức trướng của các nhà khoa bảng trong toàn quốc đã gửi đến phúng viếng cụ. Dân làng Tả Hành (Vũ Thư, Thái Bình) tưởng nhớ công đức của cụ tổ chức dân làng khai hoang lập ấp, đã thờ cụ làm thành hoàng. Năm 1925, vua Khải Định sắc phong cho cụ là “Đoan túc Dực bảo trung hưng tôn thần”. Mộ của cụ Đặng Xuân Bảng và cụ bà cả  lúc đầu mai táng ở Hành Thiện, năm 1936 được đưa sáng táng ở ấp Tả Hành (Vũ Thư, Thái Bình), đến năm 1979 lại đưa về táng ở mộ chí họ Đăng Xuân tại nghĩa trang Tiền Sơn (Hành Thiện).

Thân phụ của đồng chí Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) là cụ Đặng Xuân Viện (1880-1958) (tục gọi là Bốn Đễ, là con thứ tư cụ Đặng Xuân Bảng), bút danh Phục Ba Thiện Đình, Đặng Nguyên Khu, Đặng Viết Nhiều. Cụ theo Nho học, có kiến thức rộng, nhưng không chuyên về cử nghiệp (cụ đi thi hương nhưng không đậu, vì tay run, chữ viết xấu và bài văn phạm trường quy). Cụ ra làm thừa phái ở Tiên Lữ (Hưng Yên) mọt thời gian, sau vì lý do phạm thượng, bị đổi lên Hòa Bình, được bốn năm thì xin nghỉ.

Cụ chuyển sang chuyên nghiên cứu và biên soạn các sách và viết báo về văn học, sử học, địa lý, phong tục tập quán và làm thơ phú. Những bài văn thơ của cụ thường đề cao tinh thần dân tộc và tỏ rõ khí phách của mình, có một số bài có tính chất châm biếm. Cụ đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục ở làng, tham gia những buổi bình thơ phú, tọa đàm thời cuộc tại miếu Văn Xương (Hành Thiện), bị chính quyền thực dân và tay sai nghi vào sổ đen và theo dõi. Năm 1913, bọn lính Pháp, lính khố xanh và mật vụ do một tên thiếu úy Pháp chỉ huy, đến đóng ở đình làng Hành Thiện để truy lùng những người tham gia cách mạng. Chúng đã nhiều lần đến khám xét nhà cụ Đặng Xuân Viện, lục soát khắp nơi, nhưng không tìm thấy “tài liệu cấm”, vì thế cụ vẫn vô sự..

Cụ tham gia biên soạn bộ Minh đô sử (gồm 100 quyển) do nhóm Nam Việt đồng thiện hội tiến hành, trong đó cụ viết bài hà phòng quản kiến. Cụ có nhiều bào báo đăng trên tạp chí Nam phong như Hy Long di thặng (từ số 132 đến số 140), Lịch sử Tây Sơn (số 135), Lịch sử Nguyễn Hữu Cầu (số 137), Thanh bạch tiên sinh (hay là một vị quan thanh liêm họ Đặng là cụ Đặng Đức Địch) (số 140), Truyện đức thánh Dương Không Lộ (số 141), Tổ quốc phong thi (số 142), nghi lễ phổ thông (số 146 đến 150), Nhuận Hồ (Hồ Quý Ly) tiểu sử (số 151), Nguyễn Tựu tiên sinh truyện (số 152), Truyện thần nữ Vân Cát (số 156), Tây Đô thắng tích (số 160), Ngô vương Quyền (số 161), Nam Kỳ địa chí (số 162), Ninh Bình phong vật chí (số 163), Nam Định địa dư nhân vật khảo (số 164), mấy tay tuần lại nước Tàu đô hộ ta xưa (số 165)...

Ngoài ra cụ còn có các tác phẩm: Tiểu sử các bậc tiền bối Hành Thiện (1933), Hành Thiện xã chí (4 tập) (1933-1934), Hán văn sơ học tiệp giải (1941), Nói có sách, Vô danh anh hùng, Hữu danh anh hùng...

Cụ đã nhận được giải nhất và giải nhì trong các cuộc thi thơ do báo Đông Pháp tổ chức, trong đó có một bức hoành phi có ba chữ Ngọc kỳ âm và một đôi câu đối.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cụ có viết một số bài thơ Hán Nôm nói lên suy nghĩ của mình về Cách mạng Tháng Tám, về kháng chiến chống Pháp và ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thân mẫu đồng chí Trường Chinh là cụ bà Nguyễn Thị Từ (con cụ Cử nhân Nguyễn Tất Ban, thầy lang nổi danh người Hành Thiện). Cụ tính tình hiền lành, chịu khó lao động (trông dâu nuôi tằm, dệt vải), thường giúp đỡ bà con xóm làng khi gặp khó khăn, có ý thức giúp đỡ cách mạng.

Dòng họ Đặng Xuân có nhiều người thành đạt về khoa bảng và hoạt động cách mạng tích cực, tiêu biểu là cụ Đặng Ngọc Toản (tục gọi Giáo Kiến), nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ...

Cụ Đặng Ngọc Toản (1840 -1906) là em ruột cụ Đặng Xuân Bảng, đỗ cử nhân thứ hai (Á nguyên) năm 1868, làm giáo phụ phủ Kiến Xương (Thái Bình) được hai năm thì bỏ quan, về dạy học tư và viết sách. Cụ cũng như người anh Đặng Xuân Bảng, chỉ được học thân phụ (cụ Đặng Viết Hòe) và tự học mà vẫn có kiến thức sâu rộng.

Cụ đã đi dạy học ở các xã Lại Trì, Phụng Thượng (Kiến Xương, Thái Bình), Hạc Châu, Hạ Miêu, Quần Anh (Nam Định), Kiến Ốc, Hiếu Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình). Cụ dạy học ở đâu, học trò cũng theo học rất đông. Trong những buổi bình văn, người dự không đủ chỗ ngồi. Học trò của cụ có đến hơn trăm người đỗ cử nhân và tú tài. Có những làng xưa nay chưa ai đỗ đạt gì, nhờ học cụ mà khai khoa.

Cụ chú ý nghiên cứu về triết học, về Phật học và giáo dục về đạo đức, luân lý. ở nơi dạy học cụ đề ba chữ “Công thiện đường” và cụ đã từng nói: “ nếu dạy học mà chỉ dạy văn bài, không dạy cho làm điều thiện, thì sau này có đỗ đạt nên người, khi đắc chí làm điều bất thiện, không khác gì thả hổ để về giết người. Lòng người biến đổi là do không giảng cái lẽ họa phúc, cho nên ai vào nhập môn, trước hết phải thuộc kinh Cảm ứng của đức Thái Thượng lão quân và kinh Âm chất của đức Văn Xương, sau mới dạy cho tập làm văn bài”.

Cụ đã soạn nhiều sách để dạy học như “Quốc triều lịch khoa hương sách” (tập văn sách của các kỳ thi hương triều Nguyễn), những sách dạy luân  lý đạo đức như “Giáo huấn ca”, “Nữ huấn ca”, và những sách về triết học, tôn giáo như văn Xương đế quân âm chất văn diễn âm ca, Tạo phúc báo thư, Địch cát bảo lục…

Cụ mất vào một chiều mùa thu năm 1906. Sau khi đôn đốc con cháu đi cứu hỏa trong làng, cụ thấy mệt, lê giường nằm và lặng lẽ vĩnh biệt cõi đời. Các môn sinh của cụ đã đề nghị quàn linh cữu của cụ tại giảng đường đủ 100 ngày để những học trỏ của cụ ở xa kịp về chịu tang. Sau đó họ đã góp tiền xây dựng nhà thờ cụ ở xóm 7 (nhà thờ này hiện nay vẫn còn)

Đồng chí Đặng Xuân Thiều (1909-1965) là con cụ Đặng Xuân Đỉnh (tục gọi Tú Châu, vì cụ đỗ tú tài Hán học năm 1900), cháu nội cụ Đặng Ngọc Toản (tục gọi cụ Giáo Kiến). Đồng chí Đặng Xuân Thiều sau khi học hết bậc tiểu học ở làng Hành Thiện thì vào học trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng. Sau đó đồng chí vào làm thợ trong xưởng sửa chữa tàu thủy của Hãng Soova và sống ở xóm chợ Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được đi dự Hội nghị Tổng Công hội đỏ lần thứ nhất (7-1920). Đồng chí đã tích cực tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và là Đảng viên ngay từ ngày thành lập Đảng. Năm 1930, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hải Phòng và đã thay mặt tỉnh ủy vẫn động công nhân trong Hãng Soova, Hãng Carông,  Nhà máy Quảng Sinh Long, Hiệu Sápphănggiông đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đấu tranh chống khủng bố trắng của địch. Đồng chí đã diễn thuyết trong các xí nghiệp, trường học, rạp hát, viết bài đăng trên các báo bí mật Đồng lòng, tranh đấu của Công đoàn và Đảng bộ Hải Phòng.

Cuối năm 1930, đồng chí bị địch bắt ở Hải Kênh (Hải Phòng), bị tòa án đề hình Kiến An kết án tù chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp (thời đó thường gọi là Mặt trận bình dân) và của cuộc đấu tranh của nhân dân ta đòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được thả tự do. Đồng chí đã trở về quê một thời gian, thúc đẩy hoạt động của phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Đồng chí đã than gia Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Nam Định – Thái Bình. Năm 1939, đồng chí lại bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhiều nhà tù và trại giam Buôn Ma Thuột, Bắc Mê, Bá Vân, Phấn Mễ, Chợ Chu, Phú Thọ, Yên Bái, Nghĩa Lộ. Trong suốt 12 năm ở tù (lần thứ nhất: 1930 -1936, lần thứ hai: 1939-1945) chịu đựng bao nhiêu sự tra tấn cực hình của địch và đã trải qua một cuộc sống đầy ải lâu dài, nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, sang tác nhiều bài thơ tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Tháng 4 -1945 đồngc hí vượt ngục và về hoạt động chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Nam Định.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa I và II. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí  là Khu ủy viên Khu II, khu I và lien khu III, phụ trách tuyên huấn. Sau đó đồng chí chuyển sang hoạt động trong ngành giáo dục và văn hóa. Năm 1952, đồng chí tham gia giảng dạy chính trị ở trường Dự bị đại học và Trường Sư phạm cao cấp Việt Nam (đặt tại Thanh Hóa). Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam (1954), đồng chí làm giảng viên giảng dạy chính trị tại Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó chuyển sang công tác tại Bộ Văn hóa, đồng chí là Bí thư Đảng đoàn đầu tiên của Bộ Văn hóa. Từ năm 1965, đồng chí là Viện trưởng Viện bảo tang cách mạng Việt Nam. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập.

Thiếu tướng Đặng Quốc Bỏa sinh năm 1927 tại Hành Thiện, là con trai thứ 5 cụ Đặng Xuân Đỉnh, tức cụ Tú Châu, một nhà Nho yêu nước đã tham gia Việt Nam quang phục hội và là em trai ông Đặng Xuân Thiều, nguyên giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1937, khi mới 10 tuổi, đồng chí đã được người anh là ông Đặng Xuân Thiều vừa mới được thả tự do từ nhà tù Côn Đảo, cho đi theo. Đồng chí vừa đi học vừa tham gia công tác cách mạng. Đồng chí đã từng làm liên lạc cho Tỉnh ủy Nam Định và Thành ủy Hải Phòng, tham gia phong trào học sinh cứu quốc tai Hà Nội, Hà Đông. Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945 đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng tai quê nhà (huyện Xuân Trường và Huyện Giao Thủy) và tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Xuân Trường, được cử giữ chức Bí thư Phủ bộ Việt Minh phủ Xuân Trường (tiền thân của Huyện ủy Xuân Trường, Nam Định)

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946) đồng chí được điều động vào quân đội, giữ chức vụ chính trị viên tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn, chính ủy sư đoàn, Chánh văn phòng Tổng cục chính trị, Chủ nhiệm chính trị quân khu Tây Bắc, Chính ủy Bộ Tư lệnh công binh, đồng chí đã tham gia hầu hết các chiến dịch ở bắc Việt Nam và Lào. Sau đó, đồng chí được cử làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường địa học kỹ thuật quân sự. đồng chí được phong quân hàm thiếu tướng.

Năm 1976, đồng chí được trùng ương điều ra công tác dân sự, được cử làm Thứ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp, sau đó làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Cộng sản Hồ Chí Minh, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV. Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương độc lập hạng Nhất, một Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và 3 Huân Chương giải phóng.

Đồng chí đã tốt nghiệp trường đại học Quân sự Trung Quốc (học viện cao cấp quân chính Bắc Kinh), học viện Khoa học xã hội Liên Xô, ngoài ra thường xuyên học tập nghiên cứu để tự trau dồi kiến thức cho mình. Đồng chí có kiến thức rộng và sâu trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, có tầm nhìn chiến lược và sâu sắc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn giữ vững khí phách cách mạng, trung thực dám đấu tranh bảo vệ chân lý, cuộc sống giản dị lành mạnh.

Đồng chí Trường Chinh (Đặng Quân Khu) lớn lên trong một môi trường quê hương cách mạng và văn hóa. Từ đầu thế kỉ XX, phong trào Đông du, Đông Kinh Nghĩa thục và Việt Nam quang phục hội đã diễn ra hết sức sôi nổi ở Hành Thiện. năm 1906, bốn thanh niên Hành Thiện đầu tiên là ông Đặng Hữu Bằng, Đặng Tử Mẫn, Đặng Quốc Kiều và Nguyễn Xuân Thức đã mở đầu phong trào Đông Du ở Hành Thiện. ông Đặng Hữu Bằng (hay ấm Bằng) là con cụ tiến sĩ Đặng Hữu Dương, sang Nhật Bản vào học trường võ bị ở Tokyo, khi tốt nghiệp đỗ thủ khoa, được Minh Trị Thiên hoàng tặng một chiếc đồng hồ bỏ túi có khắc tên và chữ ký của Thiên hoàng. Khi chính phủ Nhật Bản ra  lệnh trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, ông Bằng sang Trung Quốc và đã gia nhập quân đội Trung Hoa Dân quốc tại Quảng Tây, làm đến chức đại tá tham mưu trưởng và giáo sư trường Quân sự Hoàng Phố do Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng. năm 1938, khi Nhật ném bom xuống thành phố Quảng Châu. Nơi ông cư trú, ông bi sức ép của bom làm loạn thần kinh, nhảy xuống sông Châu Giang và bị chết đuối. ông Đặng Huy Giật ( tức Đặng Tử Mẫn), con cụ tú tài Đặng Huy Duệ, cũng vào học trường võ bị ở Tokyo cùng với Đặng Hữu Bằng. Khi rời Nhật Bản sang Trung Quốc. ông Đặng Tử Mẫn đã mua được một số vũ khí để đưa về nước, giúp cho nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nhưng chuyên chở đến Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc) thì bị nhà cầm quyền ở đây phát hiện và tịch thu hết. ông lại tiếp tục mua sắm, chế tạo vũ khí và tổ chức quân đội Việt Nam, Quang phục hội nhiều lần tấn công các đồn biên phòng của Pháp ở biên giới Hoa – Việt. Bọn quân phiệt Vân Nam (Trung Quốc) bắt ông, giải về giao cho chính quyền Pháp, ổng bỏ trốn, bị chúng bắn chết. Ông Đặng Quốc Kiều (con cụ Tú tài kép Đặng Vũ Đồng) và ông Nguyễn Xuân Thức (con cụ cử nhân án sát Thanh Hóa Nguyễn Xuân Tiêu) sang Nhật Bản học thêm tiếng Nhật và tiếng Anh để chuẩn bị vào học các trường kĩ thuật ở Nhật Bản. Khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, các ông snag Trung Quốc, Xiêm rồi chở về Việt Nam, bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian rồi bị quản thúc (ông Kiều tại Hành Thiện, ông Thức tại Thanh Hóa)

Sau đợt đi Nhật Bản năm 1906 của bốn thanh niên yêu nước kể trên, phong trào Đông du ở Hành Thiện trở nên sôi nổi. Năm 1908, ông Đặng Vũ Giá sang Nhật Bản, ông Đặng Văn Nhã sang Trung Quốc. Năm 1910, ông Đặng Hữu Quỳ sang Trung Quốc. Các ông Đặng Kinh Luân (tức Ba Luân) và Đặng Vũ Hoàn tham gia Duy tân hội, rồi Việt Nam Quang phục hội và hoạt dộng ở trong nước…Trong số những người tham gia phong trào Đông du này, có cả một số trí thức được chính quyền thuộc địa ưu đãi mà vẫn bỏ đi theo cách mạng, như ông Đặng Văn Nhã đậu giải nguyên (đỗ đầu khoa thi hương) được Toàn quyền Pôn Đume phát quà tặng và cho đi tham quan nước Pháp. Khi về nước ông được bổ làm Tri phủ ứng Hòa (Hà Đông). Vì nhã nhận được rõ bộ mặt thật của các vị quan thực dân ở thuộc địa, chán cảnh quan trường và vì lòng yêu nước, ông đã trốn sang Trung Quốc theo phong trào Đông du và mất tích.

Kế tiếp phong trào Duy tân, Đông du, Việt Nam Quang phục hội do cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu lãnh đạo, bị thất bại, một tầng lớp thanh niên mới tiếp thu tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã nổi lên thay thế. Người Hành Thiện đầu tiên tham gia phong trào cộng sản là các ông Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều đã nói ở trên.

Một người Hành Thiện khác cũng tham gia phong trào cộng sản từ rất sớm, nhưng không phải ở Việt Nam mà ở Nga là ông Nguyễn Thế Rục (1902 – 1938). Ông Nguyễn Thế Rục xuất thân trong một gia đình địa chủ, được gia đình chu cấp cho sang du học tại Pháp từ năm 1923. trong thời gian du học tại Pháp, vì tiếp xúc với phong trào cách mạng Pháp và chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, nên ông đã giác ngộ cách mạng. Năm 1925, ông Rục bỏ học ở Pháp, trốn sang Nga, vào học ở trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô). Năm 1927, nhón sinh viên Việt Nam ở Mátxcơva đã quyết định thành lập nhóm cộng sản quốc tế và bầu đồng chí Trần Phú làm Bí thư. Ông Nguyễn Thế Rục sau khi học xong ba năm khóa đào tạo ở trường đại học Phương Đông, đã được chuyển sang học tiếp trường Đại học Giáo sư đỏ ở Mátxcơva (trường đào tạo những nhà lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin). Chương trình học là bốn năm nhưng ống mới học được một năm, do không chịu được thời tiết khắc nghiệt ở Nga, ông quyết định về nước hoạt động cách mạng. khi về nước, đầu năm 1930, Nguyễn Thế Rục trở về quê Hành Thiện một thời gian, đã tuyên truyền giác ngộ cho một số thanh niên trong làng như ông Đặng Xuân Quyền, Nguyễn Văn Kiêm… Sau đó ông Rục lên Hà Nội, được trung ương giao nhiệm vụ góp ý kiến vào bản dự thảo Luận cương chính trị Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Tháng 7- 1931, ông Nguyễn Thế Rục bị chính quyền thực dân Pháp bắt, buộc tội xuất dương không có giấy phép. Rồi do lơid khai của một tên phản bội, lại buộc cho ông vận động bí mật trong nước, vì không có chứng cớ nên mấy tháng sau ông được tha, nhưng bị quản thúc ở Hà Nội. năm 1036, khi Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, ông Rục đã tham gia vào phong trào Đông Dương Đại hội và tích cực hoạt động trên lĩnh vực tuyên truyền báo chí, phụ trách báo Hồn trẻ, báo Le Travail (Lao động). Do bị lao phổi nặng. ông Nguyễn Thế Rục đã qua đời ngày 23-5-1938. Tang lễ của ông được tổ chức trọng thể ở Hà Nội. Một đám tang “đỏ” có hơn 1000 người dự, biểu hiện lòng kính trọng và thương tiếc chiến sĩ cộng sản của quần chúng nhân dân.

Một người Hành Thiện được giác ngộ cách mạng sớm và hoạt động chủ yếu ở quê là ông Đặng Xuân Quyền. Ông Đặng Xuân Quyền là con cụ Đặng Xuân Lãng (cụ Lãng là anh con bác ruột của đồng chí Trường Chinh), làm nghề chụp ảnh và vẽ truyền thần. Năm 1928, khi đồng chí Trường Chinh và đồng chí Đặng Xuân Thiều về Hành Thiện tổ chức in và phát tờ báo Dân cày, thì ông Quyền đã tham gia vào ban biên tập. ông Quyền đã được đồng chí Trường Chinh và đồng chí Thiều tuyên truyền giác ngộ về tư tưởng cách mạng và về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khi hai đồng chí đi hoạt động cách mạng, đông Đặng Xuân Quyền ở lại Hành Thiện, đã được giao cho tiếp tục in và phát hành tờ báo “Dân cày”. Đến tháng 5-1931, vì địch theo dõi ráo riết, nên tờ báo “Dân cày” phải tự động đình bản. ông Đặng Xuân Quyền sang hoạt động ở bên Kiến Xương (Thái Bình) rồi bị địch bắt, đưa về quản thúc ở quê Hành Thiện. Năm 1936, đồng chí Trường Chinh được thả tự do, đã ghé về làng Hành Thiện. Đồng chí Trường Chinh đã gặp lại ông Đặng Xuân Quyền và giao cho ông Quyền lựa chọn thanh niên tốt để tuyên truyền và đưa vào tổ chức cách mạng. Ông Quyền đã giới thiệu ông Nguyễn Thụ (con út ông Nguyễn Kỳ Tao, tứ ấm Tao và là em con dì ruột của ông Quyền). Đồng chí Đặng Xuân Thiều, khi được trả lại tự do, cũng trở về quê Hành Thiện sống một thời gian và cùng hoạt động với ông Đặng Xuân Quyền. đồng chí Đặng Xuân Thiều, Đặng Xuân Quyền và Nguyễn Thụ đã gây cơ sở của Mặt trận dân chủ ở Xuân Trường và tuyên truyền, phổ biến sách báo công khai của Đảng như báo Tin tức và sách của Nhà xuất bản Tập sách Dân chúng ở quê nhà. Ông Quyền và ông Thụ còn mở lớp dạy chữ quốc ngữ của Hội truyền bá chữ quôc ngữ cho một số người dân trong làng. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 ông Quyền đẩy mạnh hoạt động cách mạng dưới hình thức in truyền đơn và dán áp phích. Khi nạn đói tháng 3 năm ất Dậu (1945) xảy ra, ông Quyền cùng cụ bà Tú Châu (thân mẫu đồng chí Đặng Xuân Thiều) đã vận động một số người khá giả trong làng làm công việc từ thiện thành lập Hội Dục anh, nuôi dưỡng các cháu đang bị nạn đói đe dọa nghiêm trọng. ông Quyền bị ốm nặng và mất vào cuối tháng 5 -1945.

Ông Nguyễn Thụ, sau khi được đồng chí Trường Chinh và ông Đặng Xuân Quyền giác ngộ cách mạng, từ năm 1937, đã tham gia phong trào mặt trận dân chủ Đông Dương, tuyên truyền cổ động, quyên tiền cho các báo của Đảng và của Mặt trận dân chủ, gây cơ sở của mặt trận dân chủ ở Xuân Trường (Nam Định). Từ tháng 6-1938 đến 9-1939, ông Thụ được giới thiệu lên Hà Nội công tác ở báo Tin tức, sau chuyển sang công tác ở nhà xuất bản Tập sách Dân chúng. Từ tháng 10-1939 đến tháng 4-1941, ông Nguyễn Thụ được địch đưa từ Hà Nội về quản thúc tại nguyên quán (Hành Thiện). ông vẫn có lien lạc với ông Quyền và hoạt động bí mật. Tháng 4-1941, ông bị địch bắt lại và giam giữ ở nhiều nhà tù và trại tập trung (Sở Mật thám Nam Định, đề lao Nam Định, Sở Mật thám Hà Nội, nhà giam Bắc Mê (Hà Giang), Phú Thọ, Chợ Chu, Bá Vân (Thái Nguyên). Trong thời gian bị giam cầm, ông đã tham gia Hội Cứu tế đỏ (tổ chức bí mật của Đảng tại các nhà tù) và các cuộc đấu tranh chống lại chế độ trại giam. Đến khoảng cuối năm 1942, ông được tha ra khỏi nhà tù và lại bị quản thúc tại quê quán (Hành Thiện). ông Thụ tuy bị địch quản thúc nhưng vẫn giữ vững được tinh thần, tiếp tục thông báo tin tức, cổ động tuyên truyền cho cách mạng. tháng 4-1945, ông Thụ bắt được lien lạc với cấp trên, tham gia hoạt động trong phong trào Việt Minh (bí mật), gây cơ sở, phát triển phong trào ở phủ Xuân Trường, phụ trách cơ sở Việt Minh trong cơ quan chính quyền phủ Xuân Trường. khi cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, ông Thụ được cử làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời của phủ Xuân Trường (từ tháng 8 đến đầu tháng 9-1945).

Ông Đặng Xuân Đỉnh (sinh năm 1919, con trai thứ hai cụ Đặng Xuân Viện, tức cụ Bốn Đễ và là em đồng chí Trường Chinh). Năm 1939, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Hải Phòng, sau đó làm công nhân tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, làm kĩ thuật viên cho Hãng tàu thủy Sôva của Pháp, dạy nghề ở các trường học nghề Nam Định, Đáp Cầu (Bắc Ninh) và Trường Kỹ nghệ Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở những nơi mà ông làm công nhân và giáo viên dạy nghề. Năm 1940, khi đồng chí Trường Chinh đang ẩn náu ở Tả Hành (Vũ Thư, Thái Bình), ông Đặng Xuân Đỉnh về quê thăm gia đình, đồng chí Trường Chinh đã nhờ ông Đỉnh tìm cách bắt lien lạc với tổ chức Đảng ở Hà Nội và xứ ủy Bắc Kỳ, ông Đỉnh đã hoàn thành công việc này. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Ông đã công tác trong ngành quân giới Bộ Quốc Phòng, đầu tiên làm quản đốc Xưởng quân giới K88, sau đó làm Phó phòng Kỹ thuật Nha Giám đốc các xưởng quân giới. Năm 1953, ông được cử sang Liên Xô học tại trường đại học Mỏ Mátxcơva. Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đại học, ông trở về nước và được cử giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa đầu tiên của khoa Mỏ - Địa chất, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 1966, theo quyết định của Nhà nước, khoa Mỏ - Địa chất được tách ra khỏi Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để thành lập Trường đại học Mỏ Địa Chất. Kể từ ngày thành lập, ông đã được cử làm quyền hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Mỏ -  Địa chất Hà Nội.

Ngoài công tác tại trường, ông còn kiêm nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Mỏ thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Ủy viên ban chấp hành trung ương Hội Khoa học kỹ thuật Mỏ Việt  Nam. Ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Bà Hà Giang (tên thật là Đặng Thị Thiềm, sinh năm 1916, con gái cụ Cử nhân Đặng Đức Quyên) là một nữ sinh Hà Nội tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Bà Hà Giang tốt nghiệp tú tài tại Trường Bảo hộ (trường Bưởi) Hà Nội, năm 1943. Từ cuối 1943 đầu 1944, bà tham gia phong trào Việt Minh ở Hà Nội. Ngày 16-8-1945, bà tham dự trong đoàn đại biểu của phụ nữ Hoàng Diệu (Hà Nội) tại Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào (Thái Nguyên). Sau cách mạng tháng Tám 1945, bà giữ chức ủy viên ban Thường trực Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1945.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), bà được lệnh rời khỏi Hà Nội và được giao làm chánh văn phòng Việt Minh khu 2 (Bắc Bộ), Ủy ban kháng chiến Khu 2 và Khu ủy Khu 2 trong thời gian hai năm 1947 – 1948. Năm 1949, theo nguyện vọng của bà, Đảng đã phân công bà trở về hoạt động phụ nữ, giữ chức Ủy viên Ban phụ vận Trung ương của Đảng, chịu trách nhiệm về phong trào phu nữ. Năm 1950 bà được cử vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.

Cuối năm 1950, khi bà tham gia đoàn đại biểu phụ nữ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang (11 đến 19/2/1951). Bà đã gặp ông Trần Xuân Độ là một thành viên trong đoàn đại biểu miền Nam ra dự Đại hội Đảng và xây dựng gia đình cùng ông tại chiến khu, do ông Trường Chinh đứng ra làm chủ hôn. Đầu năm 1951, sau Đại hội, ông bà được Đảng phân công về Nam Bộ công tác. Bà đi theo đường qua Lào, Thái Lan, Campuchia về Nam Bộ, còn ông theo đường bộ vựt Trường Sơn. Sau gần một năm, ông bà đã tới Nam Bộ an toàn. Bà được bổ sung vào Ban Thường trực phụ nữ Nam Bộ và Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, hoạt động chủ yếu trong các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Còn ông được phân công làm Thư ký Công đoàn Miền Tây.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954), ông bà được tập kết ra Bắc. Từ 1956 -1962, ông Trần Xuân Độ được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bổ nhiệm làm Đại sứ toàn quyền tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, bà được cử làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán phụ trách Văn phòng và nghiên cứu tình hình Triều Tiên. Năm 1962, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, bà được trở về hoạt động tại cơ quan Phụ nữ Trung ương và là Ủy viên Ban Thường trực phụ nữ Trung ương. Năm 1969, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi về hưu (1979). Năm 1984, ông bà chuyển vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) đã được nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa và cách mạng đầy sôi động đó. Trước khi lên Nam Định hộc trung học, đồng chí sống ở quê hương Hành Thiện, đã thường xuyên tiếp xúc với những bậc đàn anh tham gia phong trào Đông du, nghe những bài bình văn yêu nước của các sĩ phu ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tại miếu Văn Xương, lại còn tận mắt nhìn thấy quân đội thực dân Pháp đóng tại đình làng để đàn áp phong trào yêu nước của dân làng Hành Thiện, thậm chí còn thấy bọn lính vào lục soát nhà mình và cướp đi thúng ngô… vì thế khi đồng chí lên thành phố Nam Định học trung học, sống cùng bà con lao động thì đã như một hạt giống đỏ được gieo vào mảnh đât cách mạng, nhanh chóng trở thành một nhà cách mạng chân chính.

Có thể nói chính truyền thống quê hương, gia đình dòng họ là cái nôi nuôi dưỡng, tạo nên nhân cách, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng Trường Chinh. Tiếp thu truyền thống yêu nước và cách mạng của dân làng Hành Thiện, truyền thống văn hóa của gia đình, đồng chí đã trở thành một lãnh tụ cách mạng tài đức, có nhiều đóng góp cho sự thành công của đất nước trên con đường đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất Tổ quốc.

Ghi chú: Trang website chính thức của dòng họ Đặng www.HoDangVietNam.com hiện đang được nâng cấp để có thể phục vụ tốt hơn, mong bà con khắp nơi thông cảm và tiếp tục ủng hộ

Mọi chi tiết: Vui lòng liên hệ BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG GIA TỘC HỌ ĐẶNG VIỆT NAM

- Địa chỉ: Số 6, ngõ 68, Cầu Giấy , Hà Nội

- Hotline: 0914 72 79 52 - 0914 32 43 32

- Email: HoDangVietNam@Gmail.com

Hoặc chat với các nick hỗ trợ trực tuyến trên website của dòng họ

Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bà con dòng họ Đặng ta ở trong và ngoài nước. Bà con có thể đăng ký thành viên rồi trực tiếp viết bài gửi lên trang web của dòng họ.

Thay mặt ban thường trực

Mr. Đặng Trần Lưu

================================

 

Cập nhật lần cuối: 12/25/2011 4:43:05 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb