HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Lên đồng nhìn dưới góc độ di sản văn hóa

12/25/2011 4:02:59 PM

 

 “Lên đồng “ – nhìn dưới góc độ di sản văn hóa

 
Có lẽ đây là lần đầu tiên, tục lên đồng được đem ra diễn thuyết một cách rộng rãi trong cộng đồng - một cách đánh giá sâu sắc dưới góc nhìn của một di sản văn hóa. Chính vì thế mà không gian khiêm tốn của hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tối 23/2/2011 dường như không đủ cho mối quan tâm của công chúng trước những nghiên cứu về tập tục này của GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này…
GS.TS Ngô Đức Thịnh khẳng định lên đồng là một di sản văn hóa đặc sắc quả không sai. Sau bao tháng ngày nghiên cứu vấn đề này, ông đã có thể chắc chắn: Lên đồng chính là nghi lễ đặc trưng và tiêu biểu nhất của đạo Mẫu, "Lên đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh nhập vào các ông đồng bà đồng để cầu xin sức khỏe (trước hết cho các ông đồng bà đồng, những người có khiếm khuyết sức khỏe), tiền tài, may mắn, cầu tự…". Lên đồng ở Việt Nam là một hình thức Shaman - phổ biến ở châu Á và nhiều nước trên thế giới. Ban đầu chỉ được coi là hình thức "thoát hồn" đến thế giới thần linh và truyền đạt lại. Hình thức tín ngưỡng dân gian này ở một số nước như Hàn Quốc, Indonesia, Mông Cổ đã được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Có nhiều hình thức lên đồng độc đáo, như ở Hàn Quốc thì Thanh Đồng tự đánh trống, chơi nhạc; người Tày lại tự chơi đàn, hát… Lên đồng ở người Việt thì được tổ chức chuyên môn, có người đàn, hát riêng, mỗi lần nhập hồn lại thay trang phục - đây là đặc điểm mà người nước ngoài rất thích thú.
Lên đồng cùng với đạo Mẫu "ôm" trong nó không ít giá trị để có thể "mang danh" một di sản văn hóa. Ây là giá trị thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt, thể hiện chủ nghĩa yêu nước, giá trị trĩ liệu và giá trị văn hóa nghệ thuật. Trong tâm thức người Việt, Mẫu là vũ trụ, là bà mẹ tự nhiên sản sinh ra dân tộc. Và quan niệm tôn thờ tự nhiên rất hữu ích để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta hiện nay. Giáo sư Thịnh cũng đề cao quan niệm nhân sinh quan coi trọng cuộc sống hiện hữu của đạo Mẫu. Đạo Mẫu đứng về phía dân tộc, thể hiện sự yêu nước. Phần lớn những vị người được thờ phụng trong đạo Mẫu là những nhân vật lịch sử có thật, có công với đất nước, với nhân dân, đã được thần linh hóa. Đây chính là "chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa". Qua những nghi lễ của đạo Mẫu, người dân có thể học được lịch sử dân tộc… Những hình thức diễn xuất, điệu múa, trang phục đặc sắc, âm nhạc dân tộc (mà nổi bật là hát văn), hội họa (tranh thờ), điêu khắc (tượng thánh mẫu) khiến đạo Mẫu mang đậm giá trị văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, đạo Mẫu còn tôn vinh ẩm thực. Cỗ dâng lên có các sản vật của các miền, thiết kế đẹp đẽ chứ không có những kiêng kị như đạo Khổng hay Phật. Vì thế, nếu gọi lên đồng là "một bảo tàng sống động" của văn hóa Việt Nam như lời TS. Frank Proschan cũng đúng. Bởi ở "sân khấu" này tái hiện sống động các vị thần linh, các nhân vật lịch sử. Lên đồng vừa là một hoạt động văn hóa, vừa là tín ngưỡng. Một điều đặc biệt là đạo Mẫu có thờ nhiều vị thần của các dân tộc thiểu số. Lên đồng đã tích hợp văn hóa của nhiều dân tộc của thiểu số, đồng nghĩa với việc tái hiện lại âm nhạc, điệu múa của các dân tộc này. Điều đó thể hiện sự bình đẳng, kết nối cộng đồng của người Việt.
Có nhiều ý kiến cho rằng, lên đồng ở Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt và hoàn toàn có khả năng để trình lên UNESCO công nhận nếu có một hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về hầu đồng cũng như sự đồng thuận của xã hội. GSThịnh nói: "Lên đồng rất độc đáo và xứng đáng để được công nhận, nhưng chưa nên bởi chính chúng ta còn chưa thống nhất quan điểm về lên đồng". Lúc này, trong khi những khía cạnh khác nhau trong văn hóa Việt Nam đang dần mai một thì những người lên đồng chính là "những người quản lý bảo tàng" văn hóa Việt. "Tất cả các tôn giáo tín ngưỡng trên thế giới đều không dạy con người làm điều xấu, chỉ có con người lợi dụng với mục đích xấu. Nhiệm vụ của mỗi chúng ta là phải tìm cách ngăn chặn những động cơ không tốt để thanh sạch hiện thực văn hóa này, giúp Đạo Mẫu và lên đồng quay về đúng với giá trị, bản chất lành mạnh vốn có của nó" - Đấy là quan điểm của người nghiên cứu cũng là thông điệp mà buổi diễn thuyết muốn truyền tải đến mọi người.
QUỲNH TRANG
 

Cập nhật lần cuối: 12/25/2011 4:02:59 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb