HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Hỏi đáp Đặng Gia Phả Ký Phần 1

5/27/2011 10:13:14 AM
  
 

PHẦN I

GIA TỘC VÀ GIA PHẢ

Hỏi: Gia tộc là gì?

Đáp: Gia tộc nghĩa là họ, bao gồm nhiều gia đình. Một gia đình gồm có ông bà, cha mẹ và con cháu, gia tộc có thêm chú bác, cô dì. Nói một cách đơn giản và đầy đủ thì gia tộc là cộng đồng những người cùng do một cụ tổ sinh ra, bao gồm cả những người mang họ khác, thuộc gia tộc khác làm dâu con trong họ.

Hỏi: Làm sao để phân biệt người cùng gia tộc?

Đáp : Trong cuộc Hội thảo Gia phả - từ truyền thống đến hiện đại tổ chức tháng 5 – 2001 tại Viện Bảo tàng Dân tộc học, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nói Người ta ai cũng có tên có họ, tên là ký hiệu dùng để phân biệt người này với người khác, họ là ký hiệu để phân biệt chi phái này với chi phái khác.

Phả họ Đặng Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định do cụ Đặng Xuân Viện, cha sinh cụ Trường Chinh, viết năm 1934 có câu “lập ra họ để phân biệt chi phái”.

Như vậy, thông thường căn cứ vào họ của người đó mang để phân biệt người cùng gia tộc

Hỏi: Tại sao lại nói thông thường. Phải chăng có gì ngoại lệ?

Đáp: Một người khi sinh ra thường mang họ của cha đẻ, cũng có thể mang họ của mẹ, hoặc cha nuôi, hoặc bất cứ họ nào.

Cụ Đặng Xuân Viện viết tiếp “Muốn lấy họ nào thì lấy mà không quan thiết đến quyền lợi của ai, của xã hội”.

Hỏi: Những người cùng mang một họ có phải cùng một chi phái không?

Đáp: Chưa chắc vì:

- Cuốn Gia phả - Khảo luận và thực hành, tác giả Nguyễn Đức Dụ ước tính nước ta hiện nay có khoảng 300 họ, GS Phan Văn Các viết trong Tạp chí Hán Nôm số 3 (38) năm 1996, thì nước ta chỉ có 196 họ còn theo bản tin của VT3 Đài Truyền hình Việt Nam buổi 17h30 ngày 16-5-1999, thì nước ta có tới 984 họ.

Thời lập quốc số họ chắc chắn còn ít hơn nhiều, trong khi lúc đó dân số nước ta nếu chưa được hàng triệu thì cũng được hàng trăm ngàn người. Như vậy sẽ có nhiều gia tộc cùng lấy một họ. Do đó sẽ xẩy ra hai trường hợp.

- Cùng mang một họ nhưng không cùng chi phái, nguồn gốc như họ Đặng dòng Lương Xá là con cháu cụ Trần Lâm; họ Đặng dòng Tùng Lộc, là con cháu Quốc Công Đặng Tất, vị anh hùng chống quân Minh đầu thế kỷ XV.

- Hoặc mang họ khác nhau nhưng cùng một nguồn gốc như Tổng đốc Hoàng Diệu và Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kì Phan Đăng Lưu cùng là con cháu vua Mạc (theo tham luận của cụ Hoàng Lê trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2002)

Hỏi: Cho biết mục đích và điều kiện đổi từ họ này sang họ khác?

Đáp: Việc đổi từ họ này sang họ khác có thể do:

- Được vua chúa ban quốc tính: Ngô Tuấn được vua Lý Nhân Tông ban họ tên là Lý Thường Kiệt.

- Mang họ của cha nuôi: Cụ Đặng Trần Thường lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đễ, do cha cụ mồ côi từ bé được cô ruột nuôi nên mang họ của chú dượng.

- Để mai danh ẩn tích: con cháu cụ Vũ Hồn ở Dạ Trạch đổi sang họ Đặng, do cụ Vũ Trác Oánh chống triều đình bị thất bại.

v.v…

Ngày xưa do việc quản lý hộ khẩu lỏng lẻo nên việc đổi họ và cả tên rất đơn giản. Ngày nay ai muốn đổi họ tên phải được Toà án công nhận mới có giá trị pháp lí.

Hỏi: Vì sao tên họ người Việt rất giống với tên họ người Trung Quốc?

Đáp: Tôi chưa được đọc tài liệu nào viết về vấn đề này. Trong hội thảo Gia phả - từ truyền thống đến hiện đại có vị đặt câu hỏi này và được GS Trần Quốc Vượng trả lời: “Người Việt cổ không mang họ, từ khi Bắc thuộc, bọn thống trị bắt dân ta phải lấy tên họ như người Hán để chúng dễ quản lý ”

Trước đây tôi được đọc bài báo “Hai Bà Trưng họ gì?”. Tác giả giải thích : “Trưng nghĩa là người đứng đầu (thủ lĩnh), Trắc là trưởng, Nhì (không phải là Nhị) là thứ hai. Trưng Trắc, là thủ lĩnh trưởng Trưng Nhì là thủ lĩnh thứ hai”.

Hỏi: Gia phả là gì?

Đáp : Gia là nhà, ở đây còn có nghĩa là họ, ví dụ “nhà Lý, nhà Trần” có nghĩa là “họ Lý, họ Trần”, phả hay phổ là sự chú rõ thứ bậc các đời. Như vậy gia phả là cuốn sách ghi chép thứ bậc của các nhân vật trong một chi họ, một dòng họ.

Theo định nghĩa của PGS Trần Lê Sáng: “Gia phả là tên gọi chung cho loại sách chép về sự hình thành và phát triển của một dòng họ”.

Hỏi: Gia phả còn có tên gì khác?

Đáp: Trong thực tế, loại sách này có tên gọi rất phong phú như: gia kê, tộc phả, tông phả, thế phả, phả ký… lại có cả tên là ngọc điệp, ngọc phả.

Hỏi: Có mấy loại gia phả? Xin cho biết từng loại?

Đáp : Có hai loại chính: quan phả và tư phả.

- Quan phả được soạn theo yêu cầu của Nhà nước, thường là họ của vua như Lý triều ngọc phả, Trần triều ngọc phả, Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục.

- Tư phả là phả của các chi họ, các dòng họ. Tư phả ra đời muộn hơn nhưng lại là phần chủ yếu của gia phả như “Văn Xá Lê tộc thề phả” chép họ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Như Trác, “Thanh Oai Ngô gia thế phả” chép phả của Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhiệm.

Hỏi: Gia phả ở nước ta có từ bao giờ?

Đáp : Theo các tài liệu còn để lại thì bộ quan phả sớm nhất của nước ta là bộ “Lý triều ngọc phả” viết năm 1026 đời vua Lý Thái Tổ, Phan Huy Chú nhắc đến bộ phả này trong cuốn Lịch triếu hiến chương loại chí ông viết đầu thế kỉ XIX.

Tư phả ra đời muộn hơn, cuốn Kiều văn thực lục do Lê Quí Đôn viết vào giữa thế kỉ XVIII cho biết ông đã được đọc bộ phả của dòng họ Chiêu Huân Công viết từ thế kỉ XV.

 

Hỏi: Nội dung phả chép những gì?

Đáp : Cuốn phả hoàn chỉnh phải chép đầy đủ các phần: bài tựa, bài lệ, tộc hệ, từ đường và có thể thêm các điều cần thiết khác.

- Bài tựa, viết về mục đích chép phả. Thường mở đầu bằng các câu “Nước có quốc sử, nhà có gia phả” , “Cây có cội, nước có nguồn”.

- Bài lệ, viết về quy cách chép phả. Ví dụ “Phàm đời gần, đời thân thì chép rõ, đời xa, đời sơ thì lược”.

- Tộc hệ, tức thứ bậc của các nhân vật trong họ, mỗi nhân vật tối thiểu phải có 5 thông tin:

1- Tên huý và tên hiệu (nếu có)

2- Tộc hệ tức thứ bậc trong họ.

3- Giờ, ngày, tháng, năm sinh.

4- Ngày mất tức ngày giỗ.

5- Mộ phần táng tại đâu.

Chi tiết hơn có thể chép về những người vợ và các con, đời tư và tính cách của nhân vật. Với những người đỗ đạt, làm quan thì chép rõ hơn về học vấn, khoa bảng, quan tịch cũng như biệt tài và tác phẩm.

- Từ đường, Chép các nhà thờ trong họ: địa điểm, việc xây dựng và trùng tu cùng các hoành phi, câu đối và bia đá (nếu có)

Với những người được dân thờ làm Thành hoàng, hậu thần, hậu phật hoặc được triều đĩnh phong thần thì chép rõ đình, đền, miếu, sắc phong vv…

- Phụ lục, có thể gồm các bản đồ cùng các tư liệu kèm theo.

Nhiều cuốn gia phả cổ của Trung Quốc còn ghi mật mã nhằm hướng dẫn con cháu đời sau đi tìm của cải cất dấu ở các địa phương cư trú trước đây.

Hỏi: Người viết phả phải như thế nào?

Đáp: Trước hết phải là người có tâm có đức: mục đích biên chép công đức tốt đẹp của tổ tiên làm cho gương tốt của tổ tiên sáng mãi không mờ để con cháu đời sau noi theo, nối tiếp tổ tiên làm rạng rỡ cho tổ tiên và dòng họ.

Việc chép phả phải trung thực, khoa học và tỉ mỉ: phải phân tích các tư liệu sưu tầm được, không được đại khái và nhất là không được dối trá. Những gì đã biết dù tốt xấu đều phải truyền lại rõ ràng.

Hỏi: Những tư liệu viết phả lấy ở đâu?

Đáp : Nguồn tư liệu đầu tiên và quan trọng nhất là các bộ phả do các cụ đời trước viết để lại.

- Một nguồn tư liệu không kém quan trọng là các hoành phi, câu đối tại nhà thờ họ và các gia đình. Ví dụ nhà thờ họ Đặng thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có câu đối.

Minh đức tổ tiên Trần nguyên cổ

Hiền tài tôn tử Đặng truyền kim.

Nghĩa là:

Đức sáng tổ tiên Trần gốc cũ

Hiền tài con cháu Đặng truyền nay

Cho thấy họ Đặng Yên Nhiên vốn là họ Trần.

- Lời truyền tụng của bà con trong họ ngoài làng cũng có độ tin cậy nhất định. Ví dụ dân xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc truyền tụng: Họ Đặng vốn là dân đánh cá trên sông, khi cát bồi lấp sông thành đầm, họ Đặng lên bờ làm ruộng. Phả họ Đặng thôn Yên Nhiên viết cụ Đặng Phúc Toàn làm nghề chài lưới ở Bất Bạt, năm 1511 cụ đưa con cháu xuôi dòng sông về Văn Trưng nay thuộc xã Tứ Trưng.

- Đọc phả của chi họ khác cũng có thể tìm được cội nguồn chi họ mình. Ví dụ phả họ Đặng Yên Nhiên viết cụ Đặng Phúc Toàn ở Văn Trưng sang làm ăn bên Yên Nhiên, khi cụ mất được mai táng ở xứ Hậu Đình Yên Nhiên, người con thứ sang trông nom phần mộ cụ, còn những người khác vẫn ở lại Văn Trưng.

Đọc phả họ Đặng Yên Nhiên, người họ Đặng Văn Trưng tìm thấy tên cụ tổ chi họ mình.

- Đọc sử sách cũng tìm thấy tư liệu về các cụ tổ. Ví dụ cụ Đặng Đình Tướng được chép rất nhiều trong sử sách hoặc đọc Đại Việt sử ký toàn thư, ta biết rõ thời gian và diễn biến cuộc nổi dậy của cụ Trần Tuân.

Những tư liệu sưu tầm được phải phân tích một cách khoa học để đảm bảo độ chính xác tin cậy thì bộ phả viết mới có giá trị. Có bộ phả tôi tiếp xúc, câu mở đầu “Nhân nơi bờ liễu gặp lúc thư nhàn” tôi xác định ngay đây không phải là bộ phả cổ vì viết phả là việc linh thiêng và nghiêm túc đâu phải viết do cảm hứng lúc thư nhàn ở bờ liễu

 


Cập nhật lần cuối: 5/27/2011 10:13:14 AM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb