HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

THẾ NÀO LÀ BẢN SẮC DÂN TỘC?

5/17/2011 10:56:49 PM

 

  
 

 

Nói một cách khái quát, bản sắc dân tộc là những “tính chất riêng tạo thành đặc điểm của dân tộc ấy”. Như vậy bản sắc dân tộc Việt Nam bao gồm những đặc điểm về cá tính, nếp sống, lối suy nghĩ được lưu truyền từ bao đời khiến cho dân tộc Việt ngày nay vẫn còn có những nét khác biệt so với các dân tộc lân bang. Bản sắc ấy như thế nào là một vấn đề rất lớn, cần phải được nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học hiện đại chứ không thể bằng suy luận theo cảm tính được. Nhưng không phải là các nhà viết sử từ trước Công nguyên cho đến gần đây chưa từng nói đến.Hoài Nam vương Lưu An, trong sớ dâng lên vua nhà Hán đã nhận xét về bản sắc dân Lạc Việt như sau: “Việt là đất ngoài cói. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được… Đất ấy không thể ở được, dân ấy cũng không thể chăn được… vả người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày” (1) . Dĩ nhiên lời nói trên đây là nhận xét của một vị vương giả nhà Hán, tự đặt dân tộc Trung Hoa lên trên thiên hạ, như bao nhiêu các nhận xét khác của “người dân nước lớn”. Thế nhưng, nếu cố hiểu câu nói trên, ta có thể thấy rằng lời nhận xét của Lưu An là một nhận thức đúng đắn về bản sắc của dân Việt trước Công nguyên và là một lời tiên tri cho hàng ngàn đời sau. Nhận xét ấy là (1) Nước Việt là đất không thể xâm lăng được (đất ấy không thể ở được), dân ấy không thể sai khiến được (dân ấy không thể chăn được), (2) Không thể đem văn hoá, pháp luật của nước lớn để áp đặt được (không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được) (3) Người Việt có niềm tự hào dân tộc từ lâu đã có thái độ khinh bạc đối với dân tộc “đội mũ mang đai”, (4) Người Việt biết cân nhắc đúng đắn quan niệm dân tộc rộng rãi với quyền lợi đất nước cho nên lúc thì họ hoà hoãn chịu nhượng bộ người Hán, lúc thì quay mũi giáo chống lại họ, vì vậy mới bị coi là tráo trở.

Đến đời Nhà Trần, nhà sử học nước ta, Lê Tắc, đã nêu ra những đặc điểm của người Việt trong cuốn An Nam chí lược như sau: “Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn ; đàn bà nuôi tằm, dệt vải. Cách nói phô hiền hoà, ít lòng ham muốn. Người ở khác xứ trôi nổi đến nước họ, họ hay hỏi thăm, ấy là tình thường của họ. Người sinh ra ở Giao châu và ái châu (từ Thanh Hoá trở ra) thì rộng rãi, có mưu trí ! Người châu Hoan, châu Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh) thì tuấn tú, ham học, dư nữa thì khờ dại, thật thà… Vì trời nóng, dân ưa tắm ở sông nên họ chèo đò, lội nước rất giỏi ; ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì xếp bằng hai chân ; yết kiến bậc tôn trưởng thì quì xuống lạy 3 lạy. Tiếp khách thì đãi trầu cau. Tính ưa ăn dưa, mắm và những vật dưới biển. Họ hay uống rượu quá độ nên người gầy yếu. (2)

Cách đây vào khoảng nửa thế kỷ, nhà sử học Trần Trọng Kum đã nêu ra trong cuốn Việt Nam sử lược một số đặc điểm của người Việt Nam về màu da, diện mạo, y phục… Về tính tình con người Việt Nam, cụ viết: “Về đàng trí tuệ và tính tình thì người Việt Nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hoà bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi hay làm liều, không kiên nhẫn hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quí là tiết, nghĩa, cần kiệm. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu nước đến cuối nước” (3) .

Trải qua bao nhiêu thế hệ với những thăng trầm của lịch sử và sự xâm nhập văn hoá ngoại lai từ nhiều nguồn khác nhau, nếu những đặc tính nêu trên còn tồn tại một phần nào trong xã hội chúng ta hiện tại, khiến cho người Việt Nam ngày nay, dù ở đâu, cũng có những cá tính khác biệt với các dân tộc khác thì quả đã có một cái gì tạo nên khuôn mẫu ấy. Cái khuôn mẫu gồm những cá tính tốt và xấu ấy cũng phải chăng là kết quả của những tương quan xã hội và chính là những thành tố của văn hoá dân tộc.

 

Dương Thiệu Tống

----------------
 (1) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Hà Nội, Nxb KHXH. 1983, tr.135. 
 (2) Lê Tắc “ An Nam chí lược ” (Bản dịch của Viện Đại học Huế). Uỷ ban phiên dịch Đại học Huế, Huế, 1961, tr.45.
 (3) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược Q.1. Sài Gòn. Nxb Trung Tâm học liệu. 1971, tr.6-7

Cập nhật lần cuối: 5/17/2011 10:56:49 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb