HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

MỘT DÒNG HỌ TÀI DANH BẬC NHẤT THIÊN HẠ

5/17/2011 10:49:44 PM

 

  
 

 

MỘT DÒNG HỌ TÀI DANH BẬC NHẤT THIÊN HẠ

 

Học giả Phan Huy Chú đã viết: Ở làng Lương Xá có nhà dòng dõi làm tướng, đời đời làm quan… Họ Đặng, từ Nghĩa Quốc công Đặng Huấn là công thần thời Lê Trung Hưng, có con gái lấy An Vương Trịnh Tùng, sinh ra Văn tổ Trịnh Tránh.Về sau con cái đời đời vẻ vang , đươc phong quận công , lấy công chúa và được làm công chức trấn thủ hơn 200 trăm năm giàu sang mãi mãi …

Làng Lương Xá nay thuộc xã Lam Điền , huyện Chương Mỹ , Thủ đô Hà Nội . Họ Đặng danh tiếng bậc nhất thiên hạ, từ xưa đã có bộ sách Đặng Thế gia phả ký do Liên Quận công Đặng Thế Khoa viết năm Giáp Ngọ 1654, đời Lê Thần Tông; rồi Ung Quận công Đặng Đình Tướng soạn tiếp năm Bính Dần 1686 đời Lê Hy Tông; và Hiến trung hầu Đặng Đình Quỳnh soạn lại từ 1739 đến 1753 thì xong. Sau, Đô đốc Đồng Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông soạn lại thành bộ sách 6 quyển Đặng Gia phả hệ toản chính thực lục. Các sách đó đều chép rằng, họ Đặng nguyên là họ Trần. Trần Văn Trừng, người xã Thái Bạt, huyện Bất Bạt (nay là thôn Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì), sau đổi tên là Huy, đã đỗ Hoàng Giáp khoa Nhâm Tuất 1442, đời Lê Thái Tông. Sau, làm quan đến Thượng Thư bộ lại, tước Dương Khê hầu. Từ Bất Bạt, Trần Văn Huy chuyển cư về xã Tiên Lữ, huyện Yên Sơn (nay là xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ), sinh được một con gái sau làm vợ vua và ba con trai là Trần Cận, Trần Du và Trần Lâm. Trong lịch sử họ Trần này, có một biến cố rất lớn xảy ra năm 1511, khiến phải đổi sang họ Đặng, xin nói rõ một chút: Trần Cận đã đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu 1496 đời Lê Thánh Tông và làm quan đến Thượng thư bộ lại. Trần Cận có cháu nội là Trần Tuân. Vào ngày 11 tháng 11 năm Tân Mùi 1511 đời Lê Tương Dực, “Trần Tuân nổi loạn ỏ vùng Sơn Tây… quân của Tuân đã bức sát đến Từ Liêm” (ĐVSK toàn thư). Sau, Tuân và bè đảng bị dẹp tan. Do vậy, họ Trần này phải đổi sang họ Đặng. Trần Du đã đỗ giải nguyên và làm quan đến chức Tham nghị, cũng phải đổi sang họ Đặng. Ông có 5 con, trong đó có con trưởng là Đặng Công Toản về cư trú ở Yên Quyết (nay là phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy), tạo nên chi họ Đặng danh tiếng ở Thượng Yên Quyết. Đặng Công Toản đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn 1520, làm quan đến tả thị lang bộ Binh. Khi Đặng Công Toản làm Tham nghị xứ Kinh Bắc đã lập nhà tại Phù Đổng, cho con trai là Đặng Công Khuê ở đó, tạo nên họ Đặng ở xã Phù Đổng. Sau, có Đặng Công Chất (1621-1683), đỗ Trạng Nguyên khoa Tân Sửu 1641, làm quan tới Thượng thư bộ Binh, Tham tụng và laàtác gia nổi tiếng đương thời. Con trai út của Trần Văn Huy là Trần Lâm, năm 1511 đổi là Đặng Lâm, chuyển cư về làng Mạc Xá, sau đổi gọi là Lương Xá, tạo nên họ Đặng ở Lương Xá mà học giả lớn Phan Huy Chú đã viết, như chúng tôi nêu ở trên.

Họ Đặng ở Lương Xá vang danh khắp thiên hạ. Ngày nay, ở trước cửa chùa Thuỷ Lâm còn lưu giữ tấm bia đá Tông đức thế tự bi, khắc ngày 16 tháng sáu năm Đinh Tỵ 1797, văn bia do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm chỉnh sửa. Hai danh sĩ lớn này đều là người đồng thời với Đặng Tiến Đông sinh ngày 2 tháng 5 năm 1738, sau trở thành Đô đốc tài năng, dũng mãnh của nhà Sơn Tây. Chiến công hiển hách nhất của ông bà tiêu diệt nhan gọn đồn Đống Đa rạng sáng mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789 mãi mãi còn in đậm trong lịch sử dân tộc. Hãy quay lại buổi đầu Đăng Lâm Thiên cư về làng Lương Xá năm 1511 đến năm Kỷ Mão 1519 thì sinh được Đặng Huấn lớn lên có đầy đủ trí, dũng. Đặng Huấn đầu quan, làm Đô lực sĩ dưới trướng con trai của Khiêm quận công Lê Bá Ly, sau là Phụng Quốc Công, Thái tể. Đặng Huấn thiên cư sang làng Giẽ Hạ, xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên. Năm 1511, ông theo Lê Bá Ly vào Thanh Hoá tôn phò nhà Lê Trung Hưng và được phong Khổng Lý Hầu, quản lãnh tinh binh. Con gái Đặng Huấn lấy Trịnh Tùng và sinh ra Trịnh Tráng sau là chúa Thanh đô vương. Đặng Huấn sau được phong nghĩa Quốc công, khi mất được mai táng ở gò Mã Bối, thôn Giẽ Hạ. Họ Đặng sau xây chùa lên trên để mộ không bị đào bới (chùa này đã bị phá huỷ trong chiến tranh). Chúa Trịnh Tráng khi còn nhỏ được bà ngoại Lê Thị An chăm nom dưỡng dục, lại càng nhớ công ơn của ông ngoại Đặng Huấn, nên đã cho lập phủ từ họ Đặng ở thôn Giẽ Hạ, xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên. Hàng năm, chúa Trịnh Thân đến phủ từ họ Đặng, cùng các tông chỉ thuộc họ Đặng và văn võ bá quan làm lễ tế; lại cho khắc bia dựng trước phủ từ ghi rõ mọi nghi thức tôn nghiêm. Bia này hiện vẫn còn được lưu giữ. Đặng Huấn có một con trai là Đặng Tiến Vinh, cũng có công lớn với nhà Lê Trung Hưng, được phong Quận công. Đặng Tiến Vinh có hai con là Đặng Thế Tài và Đặng Thế Khoa.

Phan Huy Chú đã đánh giá Đặng Thế Khoá: “Là con nhà huân phiệt mà học thức rộng rãi, giữ mình trong sạch, kiệm ước…”. Đặng Thế Khoa trải cả các chức quan võ, rồi quan văn, sau được vua Lê phong tước Liêm Quận công. Đặng Thế Tài thì làm quan Trấn thủ Sơn Tây và truyền đời di duệ dòng họ Đặng ở đây. Con trai Đặng Thế Tài là Đặng Tiến Thự rất thông minh, giỏi giang, được ban quốc tính là Trịnh Liễu từ năm 15 tuổi, 30 tuổi đã giữ chức Thái phó, Trấn chủ Nghệ An, sau được phong tước Yên Quận công, khi mất được tặng Thái tể và được phong làm Phúc thần. Trong số 17 người con của ông, có mấy người ra làm quan và trở nên nổi tiếng xứ Bắc Hà, đó là Đặng Tiến Luân, Đặng Đình Sở và Đặng Đình Tướng. Bộc Quận công Đặng Tiến Luân giữ chức Trấn thủ Sơn Tây và Hải Dương. Lại Quận công Đặng Đình Sở làm quan Trấn thủ Sơn Tây, Đặng Đình Tướng (1649-1735) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), đời lê Huyền Tông, từng đi sứ nhà Thanh, làm quan trải nhiều chức trọng như Tả thị lang bộ lại, Đô đốc trấn Sơn Lam, Thái phó, tham dự triều chính, tước Quận công, được ban Quốc lão… Đã về trí sĩ, Đặng Đình Tướng lại được mời ra làm Đại Tư mã, đến 80 tuổi lại về trí sĩ và được phong Đại Tư đồ, Ứng Quận công. Ông cũng là một tác gia nổi tiếng hiệu là Trúc Ông, để lại cho đời các tác phẩm: Thuận cổ quy huấn, Trúc ông phụng sứ tập, Linh Giang dinh vệ lục. Đặng Đình Tướng có 3 con trai và 1 cháu nội đều lấy vợ là các quận chúa nhà họ Trịnh. Trong số đó, Quận công Đặng Đình Giám giữ chức Đốc phủ các trấn Sơn Nam, Sơn Tây, rồi Kinh Bắc và Hiền Trung hầu Đặng Đình Quỳnh làm quan Lưu thủ, lập nghiệp ở trấn Thanh Hoa (nay là Thanh Hoá)…

Như vậy là, tiền khởi từ Bất Bạt, Sơn Tây từ giữa thế kỷ XV, rồi phát lên ở Lương Xá, Chương Mỹ sau một chặng bĩ cực, lại phát triển và toả rộng về Thượng Yên Quyết, Từ Liêm, về Phù Đổng, Gia Lâm về Giẽ Hạ, Phú Xuyên, lên Sơn Tây, vào Nghệ An… dòng họ Đặng là một dòng họ tài danh bậc nhất thiên hạ, Chi họ Đăng toả về Thượng Yên Quyết, Từ Liêm rồi sang Phù Đổng, Gia Lâm, ngoài những người trở thành danh thần, lương tướng còn có những danh tài về văn chương, tiêu biểu như Trạng nguyên Đặng Công Chất và Đặng Trần Côn (thế kỷ XVIII) là tác giả Chinh phụ ngâm bất hủ đã được Đoàn Thị Điểm dịch ra quốc âm. Đặng Trần Côn đã chuyển cư đấn làng Mộc Hạ Đình, huyện Thanh Trì. Chi họ Đặng lập nghiệp ở làng Giẽ Hạ, huyện Phú Xuyên có rất nhiều người thành công, hầu, doanh tướng, tiêu biểu như Đặng Huấn và đến cuối thế kỷ XVIII lại có tài năng lớn Đặng Tiến Đông. Khi triều Lê Trịnh đã suy tàn, do thấy được lý tưởng thống nhất đất nước của người anh hùng áo vải Tây Sơn, Đặng Tiến Đông đã vào Nam theo Quang Trung. Và chiến công đánh đồn Đống Đa ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789 của ông mãi mãi in đậm trong lịch sử cùng tên tuổi Nguyễn Huệ anh hùng. Tại Phủ từ họ Đặng ở làng Giẽ Hạ hiện còn một số di vật lịch sử thời Đặng Tiến Đông và một đôi câu đối: Cự Mạc, phù Lê công tại hoàng gia, danh tại sử, Quy tiền dụ hậu, sinh vi tướng, tử vi thần. (Tạm dịch: “Chống Mạc giúp nhà Lê, công lao được liệt vào hàng thân tộc của vua/ Sớm chọn đường tốt đẹp cho mai sau, sống làm tướng giỏi, chết hoá thần linh”). Còn trường hợp Yên Quận công Đặng Tiến Thự, được ban Quốc tính là Trịnh Liễu vào làm quan Trấn thủ Nghệ An từ giữa thế kỷ XVII, có 17 người con và nhiều cháu chắt tạo nên chi họ Đặng rất sâu dày ở đây và cũng đóng góp cho đất nước nhiều danh thần, danh tướng, danh sĩ. Hậu duệ của Đặng Tiến Thự hai trăm năm sau còn có nhiều người làm rạng danh đất nước. Đó là danh sĩ Đặng Huy Trứ (1826-1874), tài năng trong cả lĩnh vực quân sự, kinh tế và văn hoá. Đặng Hữu Phổ (?-1885) chiêu binh hưởng ứng theo cờ nghĩa Cần Vương. Đúng như Nguyễn Cẩn (1866-1923) đã viết: Nhìn non nước ngổn ngang trăm mối/ Đi Đông kinh, Nam tiến biết bao người…

Khép lại bài viết này, chúng tôi xin lưu ý bạn đọc rằng, trong các sử sách cổ, cận đại, trong bia văn, khi viết về những danh nhân họ Đặng này, đều ghi họ là người làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ. Vậy là tính từ khi họ Trần ở Bất Bạt cải sang họ Đặng, Trần Lâm thiên cư về Lương Xá, rồi sinh ra Đặng Huấn. Nghĩa Quốc công Đặng Huấn như một cội gốc lớn của họ Đặng, khi về trí sĩ ông vẫn hay về Lương Xá. Cứ vào các ngày mồng 1 và ngày 15 hàng tháng, ông vào chầu vua, bên sườn đoe chiếc giỏ đan bằng tre. Trong giỏ đựng những đơn từ của người dân đang gặp những sự oan khuất gửi ông, để ông tấu trính với triều đình… Chuyện về dòng họ Đặng phát tích từ Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Nội và nổi danh bậc nhất thiên hạ suốt ba, bốn trăm năm trời thật sâu xa vô cùng, chúng tôi hiểu, một bài báo không thể nào nói đặng!./.

                                                                                                            TÂN AN

Hà Nôi Ngàn năm số 65 tháng 02 năm 2009

Cập nhật lần cuối: 5/17/2011 10:49:44 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb