HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

NGÀY GIỖ CỤ TỔ HỌ ĐẶNG LẦN THỨ 513

5/16/2011 4:31:07 PM

 NGÀY GIỖ CỤ TỔ HỌ ĐẶNG LẦN THỨ 513
  

 

Hàng năm cứ đến ngày 21 tháng 6 âm lịch, con cháu họ Đặng ở các nơi đều tổ chức dâng hươg để tưởng nhớ đến tổ tiên, hướng về cội nguồn.

Năm nay Mậu Dần – 1998, lễ giỗ tổ được tổ chức tập trung tại Hà Nội, ở nhà Văn hoá Từ Liêm, trên địa phận quận Cầu Giấy. Nơi đây, xưa kia có làng tên gọi Thượng Yên Quyết. Mảnh đất này vốn mang nặng dấu ấn của tổ tiên và truyền thống của dòng họ. Vì “Đất lành chim đậu” khoảng 500 năm về trước, một người con trai của cụ tổ là Đặng Trần Du đã chọn làm quê hương sinh sống cho hậu duệ của mình và hiện nay vãn là nơi yên nghỉ của người cháu nội của cụ là Ngạn Hoà tướng công – Binh bộ Tả thị lang.Tam giáp Tiến sĩ Đặng Công Toản (1468 – 1545). Và cũng từ đây hậu duệ nhiều đời đã lan toả và phát triển ở nhiều nơi trên đất nước.

Phải chăng có sự trùng hợp ngẫu nhiên, lễ giỗ tổ năm nay lại tổ chức ở nơi này.

Nhà Văn hoá Từ Liêm nằm trên một khoảnh đất thoáng rộng. Nhìn về phía Đông không xa, chỉ hơn trăm mét là Chùa Hà - ngôi Chùa có tiếng linh ứng ở Hà Nội, và là nơi khách thập phương thường lui tới dâng hương, cầu mong những điều tốt lành.

Nằm trên đất đô thị, nhưng không có sự ồn ào của đô thị. Bước vào cổng của khu nhà thấy có một sự yên tính. Hàng trăm chậu cây cảnh làm tăng dáng vẻ văn hoá của khu nhà và gây cho người đến dự lễ một cảm giác dễ chịu. Bà con chắc không khỏi xúc động khi thấy khẩu hiệu trên nền băng đỏ “Chào mừng bà con dòng họ Đặng về dự giỗ tổ” treo ở vị trí tiếp tân. Mặc dù ban tổ chức đã có dự tính nhưng bà con đến đông, dồn dập nên bộ phận tiếp tân không đáp ứng kịp yêu cầu, làm bà con phải chờ đợi.

Trước khi vào hội trường là phòng trưng bày tư liệu đặt ở nhà tiền sảnh. Ngoài hàng trăm tư liệu về họ Đặng, kể cả những cuốn gia phả bằng chữ Hán viết trước đây mấy trăm năm, còn có hàng trăm bức ảnh về di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội và sinh hoạt dòng họ. Đáng chú ý, là bản Phả đồrộng 36m2 trình bày tổng quát về khởi thuỷ và phát triển của dòng họ. Qua đó con cháu có thể biết được cội nguồn của dòng họ từ tiền tổ xa xưa. đầu thiên niên kỷ cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên phả đồ cũng chưa phản ánh được hết các chi họ của khắp đất nước, nhất là ở phía Nam. Nhưng từ phòng trưng bày này và đặc biệt là từ nội dung của những tư liệu được trung bày vẫn toát lên tính văn hoá và truyền thống của dòng họ với đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại hội trường, trước bàn thờ giỗ tổ với mùi trầm hương nhè nhẹ là không khí nghiêm trang toả lên những nét mặt tươi vui của hơn 1300 con cháu họ Đặng về dự lễ từ khắp các tỉnh, thành trong nước, kể cả tỉnh ở xa như Bình Định, Khánh Hoà, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó chúng tôi thấy có các cụ cao tuổi như cụ Đặng Văn Dước 80 tuổi (Đoàn Bình Định), các cụ ở tuổi thượng thượng thọ như cụ Đặng Văn Mạo 96 tuổi, các bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng như bà Đặng Thị Nhung 76 tuổi ở Hà Nội, bà Đặng Thị Mùi 76 tuổi ở Hải Phòng, các cán bộ cao cấp, các nhà hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội, khoa học, vv… như:

Ông Đặng Quân Thuỵ – Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ; Giáo sư Đặng Xuân Kỳ con trai cố Chủ tịch Trường Chinh ; Ông Hà Đăng (tức Đặng Hà) – Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản ; Thiếu tướng Hà Kiến Thiết (gốc họ Đặng) ; Thiếu tướng Đặng Như Tý ; nhà văn Đặng Thị Thanh Hương – Phó Chủ nhiệm uỷ ban văn hoá - xhy của Quốc hội ; giáo sư Đặng Bích Hà con gái cố giáo sư Đặng Thai Mai ; bà Đặng Thị Bích Liên – Bí thư Thành uỷ Hải Dương … và nhiều cán bộ, nhiều nhà trí thức, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ khác.

Ngoài con cháu họ Đặng còn có một đoàn đại diện của câu lạc bộ về dòng họ của Tổ chức UNESCO về dự và là những vị khách quý của buổi lễ.

Cũng tại hội trường của buổi lễ ngoài khẩu hiệu “Tưởng niệm ngày giỗ lần 513 cụ tổ Đặng Hiên” còn có khẩu hiệu ”Phát huy truyền thống cao đẹp của tổ tiên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” nhắc nhở bà con trong họ phải nối quá khứ với hiện tại, tưởng nhớ công đức người xưa không phải hoài cổ, không phải chỉ để đáp ứng yêu cầu về tâm linh mà còn để phục vụ nhiệm vụ xây dựng xã hội mới, thực hiện trách nhiệm của người công dân trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước.

Với tinh thần đó, tại buổi lễ, sau phần dâng hương và đọc tiểu sử của cụ tổ họ Đặng là phần chính, cụ Đặng Xuân Phi Phó trưởng ban đọc bản báo cáo của HĐGT (Hội đồng gia tộc) về công tác 2 năm qua của dòng họ (8/1996 – 8/1998) và nêu những công việc trong thời gian tới.

Báo cáo đã phản ánh được những công việc của các chi họ đã làm được đối với tổ tiên, dòng họ cũng như công tác xã hội, đồng thời nêu lên những công việc bức thiết cần thực hiện với trách nhiệm hậu duệ đối với tiền nhân cũng như với trách nhiệm công dân đối với xã hội (* xin xem phần cụ thể ở bản báo cáo cùng in trong bản tin này).

Bà con dự lễ rất vui mừng lắng nghe và hết sức trân trọng những ý kiến chân tình của vị đại diệnCâu Lạc bộ về dòng họ của tổ chức UNESCO.

Hơn 1300 đại biểu đại diện cho hàng chục vạn con cháu họ Đặng khắc đất nước về dự giỗ tổ với niềm hân hoan xúc động hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên. Đó cũng là đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam ta.

Giỗ tổ được tổ chức vào ngày đẹp trời. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, an ninh, trật tự được bảo đảm an toàn. Chúng ta không quên sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương và nhà văn hoá đã tạo điều kiện cho buổi lễ được tiến hành thuận lợi và kết quả tốt đẹp.

Mặc dù đã cố gắng hết sức mình, nhưng ban tổ chức thấy còn nhiều thiếu sót trong khâu tổ chức. Hy vọng bà con thông cảm và không lấy đó làm phiền lòng.

Tháng 8/1998

Đặng Văn Ngoạn

 

Cập nhật lần cuối: 5/16/2011 4:31:07 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb