HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng Họ

CẨM QUẬN CÔNG ĐẶNG ĐÀI CÔNG

6/30/2018 7:34:25 PM

 CẨM QUẬN CÔNG ĐẶNG ĐÀI CÔNG

 
Quận công Đặng Đài Công ở thôn Cẩm Sơn, xã Cẩm Xá, huyện Mĩ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ở đây còn Văn bia Hậu thần bi kí ghi về cụ.
 
Văn bia do hai vị đại khoa, đại quan soạn năm 1765: Tiến sĩ Hữu Đô hiệu điểm Binh Bộ Thượng thư Nhữ Đình Toản;. Tiến sĩ khoa Ất Sửu?, chức Thiêm sai, Đông các Đại học sỹ, Hữu ti, Phụng thiên Phủ Doãn Nguyễn Hoản (Hoàn?).
 
Bước đầu tìm hiểu nội dung văn bia, cụ Đài Công được dân làng Cẩm Sơn suy tôn là Hậu thần. Cụ lập sinh từ với hai nhà gỗ lim, mỗi nhà ba gian, một gian nghi môn. Tường xây bao khu sinh từ, sân lát gạch.
 
Cụ công đức cho làng 600 quan tiền cổ; 15 mẫu đất, gồm đất ruộng thượng đẳng điền, đất vườn, đất ao.
 
Khu sinh từ hiện còn mấy cổ vật như chó đá, tượng phỗng (ông mím miệng, ông nhếch mép), đá chiếu khổ lớn, văn bia Hậu thần bi kí.Di tích Sinh từ ngày trước gồm hai nhà, mỗi nhà 3 gian bằng gỗ lim, 1 nghi môn. Hiện nay là nhà cấp 4, bên khu đất cạnh có nhà thờ mẫu của địa phương. Việc , trông nom, cúng giỗ cụ, do một vài thành viên là hậu duệ. Sau ngôi nhà cấp 4, vừa là nơi thờ, nơi lưu giữ văn bia, đá chiếu khổ lớn có mộ cụ và hai ngôi khác. Mộ được chuyển từ khu trường trung học cơ sở về ngày 3 tháng 5 năm 1965. Khi chuyển mộ, người trong họ Đặng cho biết, quan tài dài chừng 2 mét, rộng 0,7 mét. Còn vải niệm, giấy bản. Đang đào thì ông tên là Công ở Ty Văn hóa tỉnh Hưng Yên về bảo không được đào, để nghiên cứu. Tối lại ra đào, thắp đèn măng sông. Quan tài có quách, tấm thiên dày 8 cm, thành dày 4 cm. Bên ngoài là bể bằng chất liệu vữa tam hợp.
 
Cẩm Sơn, ngày trước là xã, có có ba thôn. Nơi có sinh từ cụ quận công gọi là thôn Khuốc (còn gọi là xóm Góc). Hai xóm khác là xóm Nợ, xóm Phan. Nay là các xóm 1.2.3. Đình làm năm 1915 là của chung 3 xóm.
 
Đặng Đài Công từng đảm nhận các chức vụ: Cai quản đội quân ngự lâm, Giám lễ trong ty Giám lễ, Đô Hiệu điểm(1), Tổng thái giám(2). Về chí sĩ lại được vời ra lo việc nước, được ban tước Quận công(3). Cụ là hậu duệ của Tiến sỹ Đặng Thuần Nhân, đỗ khoa Dương Hòa 6 (1640).
 
Giỗ cụ ngày 6 tháng Giêng.
 
Theo các ông Đặng Đình Tùng, 79 tuổi, Đặng Thanh Nghê 77 tuổi, Đặng Văn Tuấn 62 tuổi, làng Cẩm Sơn chỉ còn văn bia này.
 
Bia ghi rõ, 600 quan tiền cổ giao cho già trẻ của bản thôn tùy nghi sử dụng. Số ruộng giao cho 6 giáp làng Cẩm Sơn cầy cấy, nộp hoa lợi, dùng vào ba việc chính và 6 ngày giỗ, ba ngày lễ trong năm: lễ xôi mới (ngày 10, tháng 10), lễ chạp (ngày 15, tháng Chạp), lễ trừ tịch (đêm 30 Tết). Ba việc chính gồm : 1- mua sắm lễ vật ngày cúng giỗ (gọi là huệ điền ); 2- chống xuống cấp di tích (gọi là tu lý điền ); 3- chi cho người trông nom, đèn nhang sinh từ (gọi là từ chỉ điền). Văn bia ghi cụ thể diện tích, xứ đồng từng thửa ruộng, được pháp luật công nhận bằng sổ địa bạ. Số ruộng dùng cho việc huệ điền có diện tích nhiều nhất, hơn 13 mẫu. Ruộng cho người trông nom, đèn nhang là 1 sào 14 thước, 9 tấc. Những người được cúng giỗ, gồm Quận công Đặng Đài Công và 5 người: Chính thất (vợ cả), hiệu Diệu Thanh, Hiển khảo (ông) Phúc Ninh,; Hiển tỷ (bà) họ Nguyễn, hiệu Từ Chí; Hiển khảo (bố) Phúc Thọ; Hiển tỷ (mẹ) cụ họ Bùi, hiệu Từ Thuận.
 
Văn bia ghi về nghi lễ ngày cúng giỗ Quận công Đặng Đài Công: Ngày 6 tháng Giêng, làng có lệ vào đám (khai hội). Ngày hôm đó, 6 giáp của làng sửa 3 mâm xôi, 3 con gà, 3 chai rượu, 3 cơi trầu, đem đến từ chỉ tế. Rồi rước thần vị về đình, đặt thần vị bên phải ngai thờ Thành hoàng làng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, mỗi ngày sửa một mâm xôi, 1 con gà, 1 chai rượu, 1 cơi trầu để làm lễ . Đến ngày giã đám (kết thúc lễ hội) thì rước thần vị về từ chỉ. Sửa lễ như ngày rước thần vị ra đình ngày vào đám.
 
Quy định lễ vật cúng tế 3 tuần tiết:  Lễ xôi mới, Lễ cúng Chạp, Lễ trừ tịch. Lễ vật cho một lần cúng có quy định cụ thể, một con lợn, định giá 1,5 quan tiền; một mâm xôi, giá 15 bát đồng quan; một con gà, giá 1 quan tiền; trầu cau một cơi mười khẩu, ba nghìn vàng mã.
 
Lễ vật cúng để dân làng hưởng, chỉ biếu trưởng tộc 1 thủ lợn, 5 quả chuối, kính biếu Tư văn hội 1 khoanh bí (thịt cắt đoạn cổ sát đầu lợn).
 
Những quy định này được thực thi gần 200 năm, từ thời lập văn bia đến sau Cách mạng tháng Tám, năm 1945. Nó là một phần quan trọng của phong tục làng Cẩm Sơn. Với lịch sử văn hóa ở Cẩm Sơn, khu di tích sinh từ, còn gọi là từ chỉ có thể được coi như điểm nhấn về văn hóa tâm linh của làng.
 
Chú thích:
 
Đô Hiệu điểm(1): chức võ quan, coi giữ cung cấm. Trước gọi là Đô kiểm điểm, sau do kiêng húy Trịnh Kiểm, đổi thành Đô hiệu điểm, ngạch Chánh nhị phẩm, tòng nhị phẩm.
 
 Tổng thái giám(2): Chức quan trong Giám ban, giữ chức trưởng quan. Hàm chánh tam phẩm, ngang với Tôn nhân lệnh của tôn nhân phủ
 
Quận công(3): Tước hiệu, đứng hàng thứ nhất trong 5 tước (công hầu bá tử nam)
 
Theo: Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thanh Niên 2002
 

Cập nhật lần cuối: 6/30/2018 7:34:25 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb