HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Họ Đặng ở Cự Đình

3/31/2013 6:28:44 PM

Họ Đặng ở Cự Đình

                                                                                          Đặng Văn Lộc

 

Dòng họ Đặng Cự Đình có truyền thống hiếu học và thành đạt. Sự  thành công này có nguyên nhân từ dòng chảy văn hóa dòng họ ở việc cháu con biết trân trọng những giá trị của tiền nhân để phát huy, áp dụng vào những hoàn cảnh mới.

          Theo cuốn Gia phả Họ Đặng thôn Cự Đình xã Việt Hưng huyện Văn Lâm viết bằng chữ Hán Nôm thì cụ Đặng Phúc Thông là tiên tổ. Tính đến nay  đã 15 đời lập nghiệp và phát triển. Trưởng ban liên lạc Họ Đặng, cụ Đặng Quốc Bản và ông Đặng Văn Tôn, bí thư chi bộ thôn Cự Đình cho biết, số người thuộc họ Đặng Cự Đình định cư ở quê và ở thành phố Hà Nội, ở một số địa phương, một số quốc gia có tỷ lệ 300/500  nhân khẩu.

          Dòng họ hiếu học và thành đạt.

Dòng họ Đặng ở đây sống bằng nghề nông nhưng có chí học tập thành danh. Trải 7 đời phấn đấu, đến đời thứ 7 mới có người nổi tiếng khắp vùng về học rộng, tài cao, được mời vào hội Tư Văn, được Vua ban tặng tước Phái đình hầu, Trung đẳng phúc thần. Hậu duệ nhắc đến cụ, thường gọi là cụ Hầu nhưng tên cúng cơm là Đặng Duy Chiểu.  Ngôi nhà thờ cụ do Vua cho xây từ thời Lê Trung Hưng, trùng tu năm Duy Tân 8 (1914) tại địa phương vẫn được hương khói. Sang đời thứ 9, thứ 10 có 2 người đỗ đại khoa, cụ Đặng Văn Khải, sinh năm 1794 đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân năm Minh Mệnh 7 (1826). Gia phả ghi khá chi tiết về hành trình làm quan của cụ Khải. Cụ từng giữ chức Thái thường tự thiếu khanh, tước Thuận xuyên bá, 2 lần đi sứ, lần làm Phó sứ sang nhà Thanh Trung Quốc, có lỗi công phải đi Nam Dương (Indonesia). Khoảng năm 1831 đến Gia-Các-Ta, được ít lâu thì lâm bệnh rồi mất, hưởng dương 38 tuổi, được hỏa thiêu rồi đưa tro cốt về quê nhà. Có lẽ khi cụ Khải thực hành công vụ ở Indonesia đã tạo dựng được mối quan hệ hữu hảo 2 nước nên trước thời tỉnh Hải Dương Hưng Yên sáp nhập có nhà ngoại giao làm việc ở Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đã nhờ chính quyền tỉnh đưa đường về thăm quê hương Đặng Văn Khải. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu trữ tập thơ Lộng Đình Đặng hội nguyên thi tập của Đặng Văn Khải. Tập thơ gồm các quyển: Hoa trình lược ký (52 bài); Dương hành thi tập (35 bài) và Thận đình anh ngữ (101 bài). Mới 6 năm làm việc quan và mất ở độ tuổi trung niên nhưng dấu ấn về văn chương và ngoại giao thì có lẽ còn mãi. Ngày tế ông về với tiên tổ, Tuần phủ phủ Định Tường Tô Ngọc Giang có câu đối viếng: Sinh tại khoa danh sinh bất thiểm./Tử ư quốc sự tử do vinh (dịch nghĩa: sống vì khoa danh, sống không nhục/chết vì việc nước, chết  ấy vinh).

 

 
 
 

 

 

 

 

 


Nói về tu chí học tập thành danh ở đời 9 không thể không kể đến cụ Đặng Văn Kham, đỗ Cử nhân, được Vua ban tước Nam, thân phụ của 1 Phó bảng, 3 cử nhân, 4 Tú tài. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), cụ Kham 18 tuổi đỗ Tú tài; thi 2 khóa tiếp đều đỗ Tú tài; năm thứ 12 (Tân Mão 1831) đỗ Cử nhân. Cụ Kham làm quan của triều đình lập nhiều công lớn được Vua thăng chức Án sát với những lời khen tặng: “Đặng Văn Kham vốn là người văn học xuất thân  lại quen cả việc võ, năm trước tích cực bắt giặc, ta rất khen Đặng Văn Kham, cho đổi tên là Đặng Kham. Nhân về huyện cung chức, thưởng cho 10 đồng tiền  Đại long văn” (Trích Gia Phả họ Đặng Cự Đình).

Con giai thứ 3 cụ Đặng Kham, cháu ruột Tiến sỹ Đặng Văn Khải là Đặng Quỹ ở đời thứ 10, đỗ Cử nhân năm Kiến Phúc thứ nhất (1884). Năm Thành Thái nguyên niên (1889) khoa Kỷ Sửu, đỗ Phó Bảng, làm đến Đốc học Bắc Kỳ (theo giấy chứng tử có công chứng năm 1918). Cụ Đặng Quỹ không những hay chữ mà còn giỏi thiên văn, địa lý, tiên đoán nhiều điều khác lạ. Nhà thờ cụ Quỹ, 5 gian rộng rãi (xây năm 1945) còn nhiều di vật quý như bức tranh vẽ chân dung cụ mặc triều phục, bảng sơn son thếp vàng Ân tứ vinh quy Vua ban khi đỗ đại khoa, câu đối, hoành phi chữ Hán và nhiều đồ thờ tự cổ kính. Ở làng Cự Đình còn ngôi nhà thờ tổ Đặng tộc trong đó có tấm bia đá quý ghi về công đức dòng họ với tổ tiên và nhà thờ cụ tổ nhánh có 2 vị tướng là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm.

 
 
 

 

 

 

 

 


Nhà thờ rợp bóng cây xanh. Gian thờ bài trí bài vị các cụ ông cụ bà, treo Bảng vàng danh dự của gia đình có 4 người con phục vụ quân đội, Bảng tổ quốc ghi công một người là liệt sỹ. Ngày giỗ ông bà, thân mẫu, thân phụ của 2 vị tướng, anh em con cháu tuy có nhà riêng ở Hà Nội nhưng vẫn về đây dâng lễ vật, thành kính tưởng nhớ tổ tiên, ông bà.  

Thành công nhờ phát huy truyền thống văn hoá dòng họ.

Sau đời thứ 10, hậu duệ dòng họ Đặng thôn Cự Đình phát về ngạch quân sự, ngoại giao, giáo dục, y học, kinh tế, báo chí. Về học vấn, nhiều người được phong học vị Giáo sư như, GS Đặng Lợi Hàm (phong năm 1926), GS (Sử học) Đặng Nghiêm Vạn- Phong năm 1991, GSTS NGND (Y học) Đặng Hanh Đệ, GSTS (Dược học) Đặng Hanh Khôi, GSTS NGƯT (Dược học) Đặng Hanh Phức, GS Đặng Quý Khoa (phong năm 1989), TS (Luật) Đặng Trinh Kỳ, TS (Hoá học) Đặng Tuấn Phát, GSTS Đặng Vũ Hoạt, TS Đặng Nghiêm Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Về ngoại giao có: Đặng Nghiêm Bái là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh (1982-1985), Canada (1986-1991); Đặng Nghiêm Hoành  là  Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc (1989-1997) . Con gái út của nhà ngoại giao Đặng Nghiêm Hoành là nhà báo, Thạc sỹ Đặng Thị Diễm Quỳnh (đời thứ 13), Phó kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam. Về quân sự, họ Đặng thôn Cự Đình được Wikipedia ghi nhận: Trong lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ 3 gia đình có 2 anh em mang quân hàm cấp tướng (gia đình ông và gia đình Đại tướng Đoàn Khuê, gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có em trai là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh).

Thế hệ đời thứ 13,14 họ Đặng Cự Đình trong độ tuổi 30 đến 40 nhưng số người có bằng TS,  Thạc sỹ trong và ngoài nước khá nhiều như: TS Đặng Vũ Sơn, Thạc sĩ: Đặng Lợi Hoan, Đặng Hanh Tiệp, Đặng Hanh Sơn, Đặng Hồng Phương. Theo thế thứ trong gia phả thì đây là những Tiến sỹ, Thạc sỹ thuộc hậu duệ của các vị đỗ đại khoa, trung khoa, tiểu khoa (Tiến sỹ, Cử nhân, Tú tài) thời Nho học.

Sự  thành công này có nguyên nhân từ truyền thống hiếu học, từ dòng chảy văn hóa dòng họ ở việc cháu con biết trân trọng những giá trị của tiền nhân để phát huy, áp dụng vào những hoàn cảnh mới./.

 

 

 

 

 

Cập nhật lần cuối: 3/31/2013 6:28:44 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb