HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

CÁI NHÌN BIẾN CHỨNG VỀ VĂN HÓA DÒNG HỌ

5/17/2011 10:58:35 PM

 

  
 

 

Vấn đề gia đình từ lâu đã được Âng-ghen nghiên cứu. Tác phẩm của ông, bản in lần thứ nhất vào năm 1884, có tên là “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước”. Tác phẩm của Ăng-ghen đã thành mẫu mực cho chúng ta nghiên cứu về nguồn gốc gia đình. Rất tiếc là Ăng-ghen không đặt vấn đề nghiên cứu về gia đình phương Đông - điều mà sau này Hồ Chí Minh đã có lần lưu ý: Ta phải điều chỉnh học thuyết Mác, và củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Tuy vậy, rải rác ở một vài nơi, những chỉ dẫn của Ăng-ghen vẫn rất có ích cho chúng ta. Có lúc ông đã đi vào những chi tiết nhỏ, như muốn nhắc ta lưu ý đến cả những khái niệm thông thường. Ông nói: Những danh hiệu như cha con, anh em, chị em, không phải chỉ đơn thuần là những danh hiệu tôn vinh, mà còn bao hàm những nghĩa vụ hoàn toàn rõ rệtvà rất nghiêm túc của người ta đối với nhau, và toàn bộ những nghĩa vụ đó, họp thành một bộ phận trọng yếu trong chế độ xã hội của những dân đó. Một lần khác, ông lại cho thấy việc nghiên cứu dòng họ là vấn đề rất khó, nhiều tác giả chưa giải quyết được. Gen trong tiếng la tinh, genos trong tiếng Hy Lạp lại đặc biệt được dùng để chỉ một tập đoàn cùng dòng máu, tập đoàn này tự hào là cùng chung một dòng họ và đựoc những thiết kế xã hội và tôn giáo nhất định, gắn bó lại thành một cộng đồng riêng biệt, cho đến nay, nguồn gốc và bản chất vẫn còn mù mịt đối với các nhà sử học của chúng ta.

Như vậy, vấn đề gia đình và dòng họ đã từng là vấn đề học thuật, vấn đề lýluận mà những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác rất quan tâm. Song đã khá lâu, ít người trong chúng ta dám mạnh dạn đi vào vấn đề gia đình và dòng họ, hoặc khi nào phải nhắc đến thì thường dè dặt. Vì vấn đề dòng họ, riêng trong phạm vi nước ta có nhiều mối tương quan, không dễ gì một lúc có thể giải đáp hết.

Vấn đề nêu trong bài này được khoanh lại là vấn đề văn hoá dòng họ và chủ yếu về văn hoá dòng họ Việt Nam.

Tất nhiên, không phải chỉ ở Việt Nam mới có vấn đề dòng họ. ở Trung Quốc, giới nghiên cứu đã hình thành một ngành tộc phả học, có khả năng xuất hiện từ đời nhà Chu, ở Hàn Quốc vấn đề này cũng đã được chú ý từ vài ba trăm năm, (trước Công nguyên). ở châu Âu, việc nghiên cứu nguồn gốc lịch sử các dòng họ quý phái (các vua chúa, các nhà đại gia) đã có từ thế kỷ XVI với nhiều bộ sách. ở Mỹ lịch sử gia tộc được xem là thuộc phạm vi gia tộc sử. Tộc người và văn hoá, ở khắp nơi, luôn luôn được xem là vấn đề hấp dẫn. Có nhiều hội thảo quốc tế đã được tổ chức như Hội thảo ở Xơ-un (thủ đô Hàn Quốc), Hội nghị tộc phả học thế giới, tổ chức vào mùa hè 1991. Gần đây, các tài liệu hội thảo, các công trình nghiên cứu xa gần dã được đưa vào Việt Nam.

Dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát, chung cho cả loài người và các thời đại. ở Việt Nam khởi đầu là từ quan niệm huyết thống và cội nguồn. ở đây có vấn đề tín ngưỡng thờ phụng tổ tông. Người dân nào ở nước ta cũng tin rằng mình có một vị tổ và dòng họ của mình là từ dòng máu sơ khởi của ông, bà tổ tiên ấy. Con người có chung một tộc, cả dân tộc cùng chung một tổ Hùng Vương và cùng chung một bọc (đồng bào) đều là con rồng cháu tiên. Vậy là ta có thể ở trong một họ nhất định, tất cả các họ ấy cũng chính là anh em, chị em trong một họ lớn. Cách xưng hô của chúng ta với người không cùng một họ, ta vẫn gọi là bác, cô, dì, anh, chị vv… (Việt Nam không có ngôn ngữ xã hội trung tính). Các ông Thần ở Việt Nam cũng có họ với nhau (có đại vương cả, đại vương hai…). Hình như trên thế giới rất ít hiện tượng này. Đó là một khía cạnh độc đáo về quan niệm họ hàng ở Việt Nam. Nếu chỉ hiểu khái niệm họ trong phạm vi gia tộc mình thì sẽ không đầy đủ và lầm tưởng rằng chúng ta có tư tưởng hẹp hòi.

Từ thực tế trên, ta thấy rõ hơn một khuynh hướng chung của các thành viên trong dòng họ. Đó là cái ý thức lịch sử hoá, ý thức tầm nguyên về dòng họ mình. Ai cũng tin và muốn rằng, dòng họ mình có nguồn gốc lâu đời, các cụ viễn tổ, cao tổ đã sống vào thời đại xa xưa, mặc dầu giờ đây không thể truy tìm lai lịch được nữa. Điều tin tưởng này nhiều khi không có cơ sở, nhưng thật ra không sai. Mỗi dòng họ đều phải có vị thuỷ tổ, và phải có sự tiếp nối lâu dài, nên mới có sự thực ngày nay. Cách nhìn lịch sử hoá như vậy là một cách nhìn văn hoá.

Đi đôi với khuynh hướng lịch sử hoá là khuynh hướng huyền thoại hoá. Điều này cũng là tự nhiên và dễ hiểu. Không thể biết chắc là tổ tiên xưa đã có những thành tích cụ thể gì, nhưng người ta sẵn sàng tin rằng một vị thuỷ tổ xa với như vậy, đã có công phù họ cho cháu con được truyền đời kế thế thì nhất định đó là một nhân vật phi thường. Liên quan đến khuynh hướng huyền thoại này, còn có cả yếu tố tâm linh sâu sắc: niềm tin vào sự phúc đức lưu truyền (cha mẹ hiền lành để đức cho con) tin vào sự phù trì mầu nhiệm (thường dành cho vị tổ nào đó về phía nữ vv…) Không ai cắt nghĩa được điều này, nhưng hầu như đa số đều tin là có thực. Không biết rồi đây có thể chứng minh bằng phương pháp khoa học thực nghiệm hay không, nhưng xét cho cùng thì vấn đề lòng thành, vấn đề hướng vào sự linh thiêng, và việc thiện cũng không có gì đáng chê trách. Đương nhiên phải loại trừ những bọn theo lý thuyết vu – hoặc để lừa các gia chủ, bịa chuyện cúng quảy.

Đó chính là quan niệm cội nguồn của dân tộc ta trong vấn đề dòng họ. Quan niệm này thiên về khía cạnh đạo đức luân lý nhiều hơn khía cạnh xã hội, không đề cầp đến vấn đề hình thái kinh tế hay vấn đề giai cấp. Như vậy quan niệm và tình cảm về dòng họ ở Việt Nam là chính đáng ngay từ nguyên thuỷ và rất căn bản.

Trên quá trình vận động của lịch sử, dòng họ đã có một vai trò quan trọng, một tác động lớn lao. Trước hết là tuỳ mức độ khác nhau, nhưng dòng họ nào cũng ghi được những trường hợp đặc biệt, có ảnh hưởng lớn. Đó là sự ra đời của những nhân vật kiệt xuất, những nhân tài của đất nước hay của địa phương ở một chặng thời gian nào đó. Đất nào cũng có anh hùng và đều là người con của gia đình, dòng họ. Người đó sẽ làm vinh dự cho dòng họ, toàn thể họ hàng và dân chúng sẽ hướng về họ để tôn vinh, tự hào. Rồi từ con người này sẽ phát huy tính tích cực cho cả dòng họ ấy. Tuỳ theo hoàn cảnh và thực lực, dòng họ ấy sẽ được quý tộc hoá, hoặc trí thức hoá, chuyên môn hoá vv… để bảo vệ thanh danh, tiếp tục cái vinh quang mà nhân vật kiệt xuất kia để lại. Hầu hết các họ trong nước ta đều có hướng đi này, và nhờ thế đã có những đại tộc, đại tôn rực rỡ. Điều quan trọng và đặc sắc ở nước ta (các nước cũng có nhiều, song trừ Trung Quốc ra thì không đậm lắm) là những dòng họ ấy đều có vai trò vĩ đại trong lịch sử. lịch sử nước ta trước đây đều là của các họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn… Triều đại phong kiến đã làm cho một số dòng họ thăng hoa (hay ngược lại). Tầm vĩ mô (cả nước) và tầm vi mô (ở địa phương) đều đi theo hướng chung như vậy. Có trường hợp khởi thuỷ mỗi gia tộc cư trú thành các làng riêng. Công lao lập làng của từng dòng họ, nên tên làng lấy luôn tên họ để đặt (Lê Xá, Mạc Xá, Đặng Xá, Cao Xá, Dưong Xá vv…) Những làng có tiếng tăm là nhờ có những dòng họ xuất sắc ví như “Họ Đinh đánh giặc, họ Đặng làm quan”. Có những dòng họ không quý tộc hoá, trí thức hoá nhưng lại phụ trách một nghề nghiệp nào đó, cũng trở nên là niềm vinh dự của làng. Văn hoá làng có thể nói, chủ yếu là văn hoá của dòng họ xây đắp. Các dòng họ đã đặt ra những tộc ước, có nhiều nhà nho đã soạn các quyển gia lễ, gia huấn ca vv… để dạy dỗ con em. Từ những mặt tích cực của dòng họ, nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đảng viên sau này đã có ý thức về dòng họ của mình, cũng như ý thức về dân tộc, đoàn thể và ý thức đảng (1) . ở đây, rõ ràng vấn đề gia phong – truyền thống (của gia đình và của dòng họ) đã trở thành một yêu cầu văn hoá, góp phần vào bản sắc văn hoá Việt Nam ngay ở từng đơn vị cơ sở. Nó đã trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hoá - xã hội Việt Nam. Trong văn hoá dân tộc, có văn hoá làng và có văn hoá họ tộc.

Quan niệm dòng họ sâu sắc đã mặc nhiên thấm vào tâm hồn, vào nhận thức của dân tộc ta. Tình nghĩa họ hàng luôn luôn được trân trọng. Tác dụng của việc giáo dục qua dòng họ cũng khá lớn. Ta biết có những tộc ước với qui định chặt chẽ, con cháu thân sơ vi phạm các quy ước ấy sẽ bị kỷ luật nặng nề. Ngay trong gia đình, vua chúa cũng vậy. Sử sách chép rõ là vào thế kỷ XIII, Trần ích Tắc vì phản bội đất nước, đầu hàng quân Nguyên nên đã bị tước họ Trần.

Nhưng cũng như nhiều lĩnh vực khác, vấn đề dòng họ vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong phạm vi dòng họ, vẫn có chuyện phân biệt giầu nghèo, cánh trên cánh dưới chèn ép, tranh giành ngôi thứ, chuyện thù hằn dòng họ diễn ra ở một số vùng nông thôn trước đây và cả hiện nay. Tình trạng này đã xâm hại, làm mất đi cái đẹp trong văn hoá dòng họ và đi ngược lại truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, trên đà “mở cửa” và “đổi mới”, đang có hiện tượng “phục hưng” các dòng họ. Nhiều người, kể cả cán bộ đảng, cán bộ quân đội, nhà nước về hưu đã tích cực trong việc vận động, củng cố lại nhà thờ họ, củng cố lại tổ chức họ. Nhiều dòng họ đã cử người viết lại tộc phả, thuê dịch tộc phả bằng chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Nhiều cuộc hội thảo về một số dòng họ lớn đã được tổ chức. Một số sách về các nhân vật xuất sắc của dòng họ này hay dòng họ khác cũng đã được in ra. Thực tế ấy đòi hỏi chúng ta nên quan tâm, và có cái nhìn biện chứng về văn hoá dòng họ.

Hiện nay, trên toàn cầu khi công nghiệp hoá, hiện đại hoá được đẩy mạnh, thì lại có xu hướng “trở về nguồn” để giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, tìm về truyền thống để giúp con người tránh khỏi sự tha hoá, chống lại những ảnh hưởng ngoại lai độc hại.

Hiện tượng được gọi là “phục hưng” dòng họ trên đây nên được quan niệm thế nào, xử lý ra sao ? Chúng tôi xin nêu một số suy nghĩ sau đây:

1- Trước hết, “phục hưng” dòng họ vốn là một hiện tượng tốt. Việc mọi người đi tìm lại dòng họ, viết lại gia phả, cùng nhau xây dựng lại nhà thờ họ, tổ chức lễ giỗ tổ vv… là việc có thể đồng tình. Theo tôi, các cấp chính quyền nên tạo điều kiện cho họ. Hiện nay có khuynh hướng đây đó muốn lập đền thờ để cúng tế danh nhân trong dòng họ. Điều này cũng có thể chấp nhận được, bởi lẽ dân tộc ta xưa nay đã lập các đền thờ những người có công với nước, các vị anh hùng… Vì thế mới có nhiều di tích đáng tự hào. Tuy nhiên, việc lập đền thờ cần có sự tham khảo ý kiến của các nhà khoa học (với các thành hoàng, thánh thần phải có hồ sơ di tích, với các danh nhân dòng họ phải lập hồ sơ xin phép xây dựng).

2- Cần xác định quan điểm chủ đạo, có đinh hướng rõ ràng không phục cổ, không nhân danh bảo vệ truyền thống để trở lại với những hủ tục tốn kém. Phục hưng có nghĩa là phát huy cái tốt, tăng cường giáo dục các thế hệ, chống lại cái xấu.

3- Các dòng họ được phục hưng một cách đúng đắn sẽ giúp chúng ta giải quyết được những mâu thuẫn của cuộc sống hôm nay. Ngày nay với cuộc sống mới, gia đình và gia tộc vẫn phải giành chỗ cho cá nhân, vẫn có đời sống phong phú mà không chống lại gia đình, gia tộc. Giữ được điều đó thì dù lớp trẻ trong gia đình có chạy theo “cái mới” cũng không lo bị quên mất gốc.

4- Về căn bản (xét theo tiến hoá sử) thì gia đình, gia tộc ngày xưa thích hợp với kinh tế tự túc, cống nạp, nhưng nay không thích hợp với kinh tế thị trường, hơn nữa duy trì tự túc, cống nạp sẽ hạn chế cá nhân, ràng buộc cá nhân trong chiếc dây vô hình họ tộc. Cần mở rộng cho cá nhân, tạo niềm tin và sự tự hào về dòng họ mình mà vươn lên, phấn đấu chứ không phải bằng lệ họ, lệ làng.

5- Một điều cũng rất quan trọng trong nhận thức khi tiến hành công cuộc phục hưng dòng họ, đó là nâng cao nhận thức của hai thế hệ già và trẻ. Già thì chăm lo giáo dưỡng, giáo dục, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ phát triển. Trẻ thì phải luôn nhớ ơn và có đầy đủ tinh thần trách nhiệm với thế hệ già. Đó là quy luật tiến hoá cũng đồng thời là giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc ta.

Trở lại một cái nhìn biện chứng về văn hoá dòng họ cần có quan niệm và nhận thức cho đúng đắn, bản lĩnh. Bản lĩnh ấy tất nhiên là do giáo dục của Đảng, của tập thể, của xã hội, nhưng phần quan trọng nữa phải là ở gia tộc, gia đình. Tác động tích cực của dòng họ đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay là điều ta phải thừa nhận. Không biết khai thác phần tích cực ấy để bồi bổ cho đường lối giáo dục của Đảng, của Nhà nước, chính là chỗ hạn chế của chúng ta. Còn những khía cạnh tiêu cực, lạc hậu do vấn đề dòng họ sinh ra là vấn đề có thể khắc phục được. Có con người cách mạng, thì có được gia đình cách mạng, có được dòng họ cách mạng có đất nước cách mạng và tạo nên sự nghiệp lớn, sự nghiệp mà ngàn đời ông cha ta chưa thực hiện được là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh

Cập nhật lần cuối: 5/17/2011 10:58:35 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb