HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Người viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam

5/17/2011 10:47:15 PM
Trong tác phẩm “Theo giòng” (1941) mục “Vài ý kiến về tiểu thuyết”, nhà văn Thạch Lam có viết: “Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ có những tiểu thuyết phỏng theo hay dịch của Tàu rồi chúng ta bắt đầu viết tiểu thuyết từ quyển “Cành hoa điểm tuyết” của Đặng Trần Phất đến quyển “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách… đó là thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta…”

 

  
 

 

 

ĐẶNG TRẦN PHẤT

Người viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam (*)

 

Trong tác phẩm “Theo giòng” (1941) mục “Vài ý kiến về tiểu thuyết”, nhà văn Thạch Lam có viết: “Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ có những tiểu thuyết phỏng theo hay dịch của Tàu rồi chúng ta bắt đầu viết tiểu thuyết từ quyển “Cành hoa điểm tuyết” của Đặng Trần Phất đến quyển “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách… đó là thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta…”

Tìm hiểu thêm về nhà văn, Đặng Trần Phất bút hiệu Như Hiền, sinh nam 1902, mất năm 1929, người làng Đăm, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xuất thân trong một dòng họ nhiều đời khoa bảng. Thời niên thiếu học trường Albert Sarraut ở Hà Nội đậu tú tài Tây. Thân phụ ông, cụ Đặng Trần Vỹ, hiệu Mai Thần đỗ Giải Nguyên, khoa thi Hương năm Tân Mão (1891) dưới triều vua Thành Thái, làm quan tuần phủ Phú Thọ rồi Tổng đốc Bắc Ninh. Cụ là tác giả bài thơ chữ Hán “Đề trấn Võ quán” đặt trong bức cuốn thư sơn son thếp vàng hiện lưu giữ ở bái đường ngôi đền thờ Quán Thánh, Hà Nội. Một bài thơ hoành tráng tinh thần dân tộc, khí phách của sĩ phu Bắc Hà, khẳng định sự trường tồn của non sông đất nước tuy đang trong cảnh quốc vong: “Vượng khí Long Biên mãi vẫn còn…” (Thiên cổ Long Biên vượng khí tồn). Nối gót truyền thống của dân tộc, Đặng Trần Phất bước vào nghề văn từ năm 17 tuổi, thiết tha muốn dùng ngòi bút chấn hưng lại văn hoá, cải tạo xã hội. Hoài bão lớn, nhưng cuộc đời ngắn ngủi. Chính quyền đô hộ thời đó rất tinh đã “đánh hơi” thấy những “mầm mống phản kháng” của ông trong tác phẩm nên khi ông mới bước chân vào cuộc đời viên chức ngành bưu điện, đã phải chịu ngay cuộc thuyên chuyển mang tính chất “lưu đầy” từ Viên Chăn về Pakxe (Lào) để rồi do thể trạng yếu, ông đã mất tại đây năm 27 tuổi. Ông để lại 2 cuốn tiểu thuyết xã hội: Cành hoa điểm tuyết (1921); Cuộc tang thương (1923) và cuốn thơ Ký sự Một tấm cảm tình (1922). Năm 1944, nhà xuất bản Văn học kết hợp với gia đình nhà văn đã cho in lại 3 tác phẩm trên trong cuốn: “Văn thơ Đặng Trần Phất” và cho đến nay gia đình vẫn còn đang tiếp tục sưu tầm cuốn “Những nỗi dọc đường” (tiểu thuyết xã hội, 1924) bị thất lạc cùng một số bài thơ và ký đăng rải rác trên các báo Nam Phong, Hữu Thanh và I’Indépendance Tonkinoise (Độc lập Bắc Kỳ). Tuy mất sớm và tác phẩm không nhiều nhưng ông đã được nhìn nhận là một cây bút tiên phong trong dòng văn học hiện thực, mở đầu cho một loại tiểu thuyết mới theo lối hiện đại Tây Phương, phá vỡ cái khuôn sáo cũ kỹ “có hậu, ở hiền gặp lành” theo lối kết cấu Tàu vốn quen thuộc. Các giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, Hoàng Như Mai, Phong Lê… các nhà nghiên cứu phê bình Vương Trí Nhàn, Đặng Việt Ngoạn, Hoài Anh…) đã giới thiệu nhiều về hai cuốn tiểu thuyết “Cành hoa điểm tuyết” và “Cuộc tang thương” nhấn mạnh tính chất xã hội (phê phán - tố cáo) như một bức tranh toàn cảnh (panorama) rộng lớn những thập niên 20 của thế kỷ 20 bao quát từ thành thị đến nông thôn với đủ các hạng người lần đầu tiên xuất hiện trong văn học (quan lại, địa chủ, tư sản, thầu khoán, ma cô, me tây, chủ nhà săm, nhà cô đầu cho đến những người nghèo hèn như anh phu xe, anh bếp, người ăn mày tàn tật… Với nhiều vấn đề bứt rứt của xã hội: Chế độ đa tha, chế độ nàng hầu, vấn đề hối lộ, tham nhũng, các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, trộm cướp, trù dập, sự đối lập rõ rệt giữa cái giàu và nghèo, sự lộng hành phá hoại của chủ nghĩa kim tiền và lối sống vật chất phương Tây…)

Trong bài viết này để bổ sung thêm, tôi muốn đề cập đến một chủ đề khác trong tác phẩm Đặng Trần Phất, một chủ đề cốt lõi đa thôi thúc ông cầm bút bước vào nghề văn (vốn dĩ có được coi trọng gì đâu ở buổi đầu thế kỷ trước dưới chế độ cũ) đây cũng là nguyên nhân dẫn ông đến cái chết non yểu, ẩn ức tại một vùng ma thiêng nước độc nơi xứ người, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới mười lăm tháng.

Đó là ý thức dân tộc những tâm tư day dứt của ông trước cảnh non sông đất nước đang chìm đắm trong bóng đêm nô lệ của những tháng năm dài thuộc Pháp, được thể hiện khá rõ trong cuốn thơ “Một tấm cảm tình” phần viết bằng tiếng Pháp (ký sự + thơ). Ta hãy lần giở một số trang. Bài ký “Một thời cư trú ở Hà Nội - ký ức” (Un séjour à Hà Nội - Souvenirs 9 -1920). Tuổi thanh niên 17, 18 mới lớn sống giữa thành phố Hà Nội đầy sa đoạ, quyến rũ, một mình trong căn gác hẹp với một chú tiểu đồng, suốt ngày ông chỉ đóng cửa đọc sách và làm thơ, không đi chơi, không giao du với một ai trừ một vài người thân trong họ thỉnh thoảng đến thăm… Cảm xúc trước sự vận hành vô tư của mặt trời, mặt trăng của các hành tinh trong khoảng không gian vô tận, sự sinh tồn phát triển của cỏ cây hoa lá trong sự hài hoà của thiên nhiên, ông ngậm ngùi nghĩ đến thân phận cô đơn của mình “Đi đâu và đi với ai?... Khi mà kẻ khốn khổ nhất đời là tôi chỉ có thể tìm thấy mẹ mình trong chốn tận cùng của hư vô và chắc chắn không bao giờ còn được hưởng những giờ êm ái nữa…” (Sortir! Mais où et avec qui? Malheureux est moi qui trouvera maman au fond du néant et que qeut - être je n’ aurai jamais les heures de douceur). Là một người con chí hiếu tuy lúc nào cũng chỉ luẩn quẩn buồn thương về người mẹ hiền sớm khuất năm ông mới 13 tuổi, nhưng ông vẫn không quên lời dạy bảo của cha già hôm từ biệt người để về Hà Nội theo việc sách đèn, cảm thấy “Lòng se lại” (Coeur serré) “Mỗi nỗi buồn sâu sắc” (Profonde émotion) khi phải xa “Người mà mái đầu bạc trắng dưới sức huỷ hoại của tháng năm bận rộn trong công việc hành chính ngành quan lại”. Cụ Giải Nguyên đã tỉ mỉ dặn con về Hà Nội phải xa lánh những đam mê, cám dỗ, những đứa trẻ hư hỏng, cờ bạc, tiêu xài quá độ làm điếm nhục gia phong, phải cố gắng rèn luyện thành “một người siêng năng và lương thiện” (un homme studieux et honnête). Ông đã tự hứa với mình “Mặc cho năm tháng và tuổi tác qua nhanh, miễn là tôi làm theo sự mong muốn của cha tôi và của người mẹ thân yêu đã khuất. Tôi chỉ mơ ước một điều, đó là đi sâu vào học tập những kiến thức rộng lớn sẽ dẫn dắt tôi đến một lý tưởng mà tôi phải theo đuổi, đấu tranh cho một tương lai đang còn mờ mịt…” Ông tự định nghĩa cái lẽ hạnh phúc ở đời: “… còn ai biết coi trọng sự thờ phụng những người đã khuất và biết dành cuộc sống của mình cho những lý tưởng tiến hoá và trau dồi trí tuệ là những người thực sự sung sướng…” (Mats heureux est celui qui sait garder le culte des morts et consacrer sa vie aux idées du progrès et de la culture intellectuelle).

Từ lòng thương yêu, hiếu thảo gần gũi nhất với cha mẹ đến những tình cảm gắn bó với quê hương đất nước chỉ là một sự chuyển tiếp tất nhiên và hợp lý (logique). Bài ký “Một tỉnh của Bắc Kỳ: Phú Thọ” (Use province du Tonkin: Phu Tho) nơi ông từng giữ nhiều những kỷ niệm êm đẹp của quãng tuổi thơ được ông miêu tả bằng những nét bút tinh tế, tài hoa nặng tình nặng nghĩa. Đặng Trần Phất đã thể hiện toàn cảnh Phú Thọ từ thiên nhiên núi non hùng vĩ đến con người, từ nông thôn đến phố chợ, nhà ga, từ ngày đến đêm, từ những hoạt động của người nông dân trên đồng ruộng, đến người buôn bán tấp nập nơi thương trường. Từ cảnh tấp nập hôm nay, ông đi ngược lại buổi nguyên thủy ban sơ của tỉnh Phú Thọ: “Ngày xưa dãy núi đứng dưới bóng âm u của bầu trời, nổi lên trên khoảng rộng bao la của những đất đai hoang hoá, những cánh đồng bạc màu, những đồng cỏ hoang dã, những vùng đất độc. Lúc đó Hưng Hoá là tỉnh lị, là trung tâm của cư dân ít ỏi, là nơi ẩn náu của bọn trộm cướp, nơi tạm trú của những dân du mục Mán, Mường. Miền đất yên lặng và tuyệt đối quạnh hiu này, trước đây rất ít người lui tới, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng rì rào của gió thổi, tiếng chó sủa ở những thôn xóm lân cận, tiếng kêu yếu ớt của côn trùng ẩn núp dưới lá cây…”. Tình yêu say đắm thiên nhiên, đất nước, cộng với những kỷ niệm trong trẻo của một tuổi ấu thơ đã cho ta hôm nay được đọc những trang tả cảnh đầy sinh động, đẹp như một bức tranh hoạ đồ “Ban ngày mặt trời rọi trên đỉnh núi làm ngời lên sự phản chiếu của màu lục ánh như mọi vật đều có mặt trời chiếu rọi. Những phong cảnh trải dọc trên con đường dài, những bãi cỏ nở hoa, những cây tầm xuân như cho ta thêm ngưỡng một chất thơ hoang dã, nhưng lại hài hoá một cách tự nhiên (Pendant le jour, le soileil dorail la cime des montagnes, faisait éclater des reflets d’enraude comme si tout fut ensoleillé. Le long des paysagess qui cachaient la longueur du chemin, les gazons fleuris, les églantines semblaient ofrir aux yeux aux une poésie sauvage mais harmonieusement natrurelle)”. Nhưng điều mà Đặng Trần Phất thiêng liêng ấp ủ trong bài ký này không hẳn là những cảnh thay đổi nhà cửa, đường xá, cầu cống… ở đây cái chính là ông muốn nói về Đức tổ Hùng Vương, tổ tiên xưa xa của dân tộc, nơi cội nguồn của dòng giống Việt Nam. Nói đến Phú Thọ tức là nói đến đền Hùng. Ông đã gửi gắm những tâm sự kín đáo và cả những day dứt không nguôi “Ôi, những người đã khuất! Những ân nhân không tên tuổi, những thi sĩ bị lãng quên, các người có được an nghỉ trong cõi vĩnh hằng và lan toả trong hậu thế chúng tôi. Tôi chỉ là một đứa trẻ mới biết ngước nhìn đầu tiên vào một khía cạnh của cuộc đời, nhưng tôi đã đau khổ rồi vì không còn theo được những truyền thống tốt đẹp mà các người đã để lại cho chúng tôi…” (O morts! Bienfaiteurrs ignorés ou poètes oublié, puissiez vous reposer en paix, dans votre éternité et régerds vers le côté de la vie mais je souffre déjà de ne pasfron voir suivre les belles traditions que vus m’avez laissées…).

Đứng trước cảnh uy nghi của núi “Hùng Vương” chói lọi và oai vệ gợi lại trong tâm thức những trang sử quá khứ hào hùng, nghĩ đến bao công lao xương máu của tổ tiên trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, mặc dù hiện nay đang phải sống trong cảnh tù hãm, đô hộ, ông vẫn mơ, vẫn hình dung một ngày mai tươi sáng với một thế hệ đổi mới hăng say hoạt động và tiến bộ, con người sẽ sống có cộng đồng tương thân, tương ái với nhau… “Rằng linh hồn bất tử của Đức tổ Hùng Vương tổ tiên đầu tiên của chúng ta từ lâu yên nghỉ trong khoảng bao la của vùng đất này - hoà cùng với linh hồn của các người đối với chúng tôi sẽ là lý tưởng của cuộc sống, hy vọng của ngày mai, là sự đổi mới của thế hệ hăng say hướng tới hoạt động và tiến bộ” (Que I’âme immortelle de notre premier ancêtre Hùng Vương depuis longtemps reposeé dans I’immensité de sette contrée, trempée, dans les vôtres, soit pour nous I’idéal de la vie et I’espoir de demain, le renouvellment d’une géneration ardent vers I’activité et le prrogrès). “Rằng những lời tiên tri về sự giải phóng của người hướng tới sự hoàn thiện khơi dậy trong chúng tôi niềm tin yêu của một tình yêu cộng đồng, của tình yêu chân thành với tất cả những ai thân thiết…” (Que les voix prophétiques de voitre émacipation vers le perfeetionnement réveilent en nous la foi d’aimer d’un amour commun; d’un amour sincère tous ceux qui nous sont chers…). Trong tác phẩm thường thấy ông nghiêng xuống các số phận ngậm ngùi, những cuộc sống lầm than (Người phu xe, người ăn mày tàn tật, cô gái bán mình chuộc cha, người vợ bị chồng phụ bạc…) nhưng không phải là ông phản bác mọi cảnh giàu sang chân chính, quy luật tiến hoá của mọi chế độ, mọi thời đại. Ông cầu mong một xã hội công bằng, đất nước phồn vinh, mọi người công dân đều giàu của cải và danh vọng, nhưng phải biết sống sạch sẽ, có đạo lý và lương tâm. “Sung sướng thay những người được hưởng những của cải hoặc sự vinh quang thu lượm được một cách thuần khiết mà không bị gọi ra trước toà án của lương tâm mình” (Heureux sont ceux qui ont goutê les purs charmes de leur richesse et de leur gloire et qui ne seront pas appelés au tribunal de leur conscience).

Toát lên trong tác phẩm của Đặng Trần Phất - cả thơ lẫn văn, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp - là một tâm sự bế tắc, một nỗi day dứt triền miên, sự đau khổ bất lực của một kẻ sĩ nhà văn, một thanh niên trí thức đứng trước cảnh suy vong đất nước mà đành khoanh tay thúc thủ. Bao cảnh đời bất công, bao đồi phong bại tục, sự cao ngạo của giới cầm quyền và lũ “trọc phú” hãnh tiến, bọn “to đầu rỗng tuếch” cậy thế đồng tiền sống hoang dâm, sa đoạ trên lưng những người dân đóng khố, bao cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu, bể lửa, bao nghĩa sĩ yêu nước bị ra trường bắn, lên máy chém hoặc giam cầm trong các lao tù nơi hút gió đèo heo…

Ngay từ những năm 20, 21 ông đã sớm mơ đến một xã hội cộng đồng, một tình yêu cộng đồng (amour commun) cũng như đã viết: “… Bao giờ lòng người còn biết theo cái lẽ đoàn - thể - tối - yếu biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, thì nhiên hậu đạo đức mới còn, phong tục mới hay, xã hội mới khỏi vong bản! Cành hoa điểm tuyết -4 - 1921”. Ông đã tốn công loay hoay đi tìm một con đường khác:

“Trên đường tôi đi có thể nào mà quay trở lại để tìm ra cách đích thực của một con đường khác?...”

(Sur la route d’ où je sors ne pourrái - je décider mon retour

Pour trovẻ le vrai but d’un autre chemin?...)

Nhưng chỉ là sự đau khổ bất lực: “Không khi nào suy tư tìm ra được một con đường…” (Que jamais mes pensées puisent trouver un chemin…). Tiếc rằng ông mất quá sớm nên không còn được chứng kiến những điều ông hằng mơ hơn 80 năm trước đây nay đã hiển nhiên hiện thực. “Cái tình yêu cộng đồng” cái “đoàn - thể - tốt - yếu” cái “đích thực của một con đường khác” mà ong loay hoay kiếm tìm cả một quãng đời thanh xuân vẫn không ra, nay rõ ràng đang là niềm vui, lẽ sống của hàng chục, hàng chục triệu con người Việt Nam với “sự đổi mới của một thế hệ hăng say hướng tới hoạt động và tiến bộ!” (le renouvelienment d’une génération ardentevers I’activité et le progrès).

Thắp nén hương thơm, giở trang sách cũ, tưởng nhớ tới ông, tôi xin được mượn lời thơ Tế Hanh (về một tập thơ trong buổi đầu thế kỷ - Tạp chí Văn hoá 6-1994) “… Là một người trong phong trào thơ mới bắt đầu làm thơ ở lứa tuổi Đặng Trần Phất bắt đầu làm thơ, tôi xin được viết mấy dòng cảm nghĩ này để nói lên niềm xúc động khi đọc thơ của một thanh niên viết buổi đầu thế kỷ, đã mất khi tuổi mới 27, trong khi tôi đã 72 đang sống những năm cuối của thế kỷ 20 này”.

BĂNG HỒ

(*) Đã đăng Quê hương - Tạp chí của người Việt Nam ở nước ngoài, số 3-2005)

 

 

Cập nhật lần cuối: 5/17/2011 10:47:15 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb