HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân Đặng Đức Siêu ...

5/16/2011 4:00:55 PM

 

  
 


DÒNG CẢM NIỆM

NHÂN ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM HÚY NHẬT LẦN THỨ 200

CỦA NGÀI THƯỢNG THƯ BỘ LỄ ĐẶNG ĐỨC SIÊU

(17.2 Canh Ngọ- 17.2 Canh Dần (1810- 2010))

 

 

Uống nước nhớ nguồn, đó là truyền thống đạo đức cao đẹp. Cây có cội nước có nguồn. Dòng chảy ấy mãi mãi vô tận.

Mấy nghìn năm văn hiến, đánh dấu chặng đường lịch sử nước Việt qua các triều đại: Từ thành Cổ Loa của triều đại An Dương Vương, từ Thăng Long Hà Nội của triều Lý đến Kinh thành Huế- chốn Cố Đô trầm lắng của triều Nguyễn.

Hôm nay, giữa mùa xuân trăng tròn của năm 2010, gia tộc Đặng Đức vinh hạnh tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm lần thứ 200, ngày mất của vị Danh thần, Danh sĩ bậc nhất của triều Nguyễn - Cố Thượng thư bộ Lễ  Đặng Đức Siêu; cũng  như thiết lễ Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bạt Độ tại làng Nguyệt Biều đường Bùi Thị Xuân- Cố Đô Huế.

Đã bao lần những nén nhang được thắp lên rồi ngắn ngủi tắt đi. Năm tháng trôi qua biết bao đời cha ông của dòng họ đã thầm tưởng niệm ngày mất trong niềm xót xa kính tiếc.

Hôm nay, giữa dòng đời mãi chảy, con cháu nội ngoại đoàn tụ sum vầy, bình sinh nhìn lại, có cơ hội tưởng niệm thâm ân. Nén nhang thắp lên, những nén nhang đang cháy, như thắp lên từng nhịp đập của con tim, như được trở về cố hương cội nguồn tâm linh quê cha đất tổ mà bao năm rồi lưu lạc ngàn phương. Hàng hậu sinh nội ngoại tôn thân xin kính cẩn phủ phục Thành Kính Tưởng Niệm. Ngày mà 200 năm về trước dòng họ đã mất đi một người con ưu việt, triều đình đã mất đi một bậc danh thần, đất nước đã mất đi một bậc hiền tài.

Có một mảy may nào của những người còn lại hôm nay biết hướng đến một việc làm mà ít ai làm được: Dâng một bát cơm đầy thanh khiết với tấc lòng xin Người được an vui dưới cảnh Phật đài. Đó là việc làm hy hữu mà từ lâu không thể làm được và cũng đã vụng về chưa từng nghĩ đến.

Như được nối lại huyết thống gia tộc Đặng Đức trong từng người con, người cháu hôm nay được rạng ngời và cũng được ấm cúng bên nhau đoàn tụ, thành kính, chung lo. Cũng thầm tưởng niệm bao đời ông bà cha mẹ đã cho mỗi chúng ta thành nhân chi mỹ; dù giàu hay nghèo dù đang sống nơi chôn nhau cắt rốn hay phải tha hương đất lạ quê người. Vì mưu sinh, vì thăng tiến tự thân để trăm hoa đua nở thơm ngát tông đường, theo tiếng gọi thiêng liêng tìm về quê cha đất tổ tỏ lòng hiếu đạo, man mác, ngậm ngùi kính tiếc vô biên.

Vinh hạnh nào hơn, một gia đình mà vợ chồng xứng danh nên phận được sử sách lưu truyền. Dù quá khứ đã đi về dĩ vãng, nhưng trong thâm tâm của con cháu hôm nay như được thấm đượm tinh hoa của người xưa. Có một con người quê hương Bình Định thuộc phủ Hoài Nhơn, năm 16 tuổi đỗ Hương tiến được Chúa Nguyễn Phúc Thuần bổ vào làm việc ở Viện Hàn Lâm tại Phú Xuân. Có một con người mà sau ngày đại định đăng quang Hoàng Đế của Vua Gia Long mọi nghi lễ chiếu biểu của nhà Vua cũng như các bài văn tế của các tướng sĩ đều do Người biên soạn. Có một con người được mời vào cung dạy đạo Thánh hiền cho Hoàng tử với biệt hiệu Thiếu sư Hiệp biện Đại học sĩ. Có một con người theo gót chân vua mở mang Đất Phương Nam để có được một giang sơn gấm vóc từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, sánh vai với năm châu bốn bể như ngày nay... Ôi! Thật xứng đáng, vinh hạnh biết bao!

Bên cạnh người chồng là một bậc hiền tài. Thượng Thư Bộ Lễ lại có được một người vợ hiền thục, đôn hậu... thủ tiết nuôi con. Lớn lên ở một vùng ven sông Hương làng Xước Dủ huyện Hương Trà. Những năm tháng chồng ra đi phò Vua giúp nước vẫn một lòng chung thủy nuôi con trưởng thành. Khi chồng qua đời, Tư Đồ Tây Sơn Võ Văn Dúng tỏ lời cầu hôn nhưng một mực khước từ. Trong sử sách lưu truyền thì Bà là một trong bảy người được liệt vào hàng Liệt nữ  hạng ưu của Triều Nguyễn. Đó chính là bà Nguyễn Thị Ngữ.

Để tỏ lòng nhớ nghĩa ân sư cũng như tán thán cảm kích tiết tháo đức hạnh nên Vua Minh Mạng đã ban chiếu biểu, sắc phong cho lập Biểu Sanh Phường mà dân địa phương thường gọi là Cửa Phường, nơi ấy chính là đây; ven bờ sông Hương- làng Nguyệt Biều nơi đang thiết lễ Tưởng Niệm cũng như Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bạt Độ Giải Oan.

Giữa cuộc đời thường, lắm lúc mỗi chúng ta cũng cảm thấy cô đơn hiu quạnh, khi có những đứa con ngỗ nghịch phụ lòng sanh dưỡng đã làm cho cha mẹ đau khổ trăm bề, huống chi chung quanh ta có biết bao nhiêu người khuất mặt đang chịu cảnh thống khổ lầm than. Họ đang cần, họ đang chờ chúng ta nhiều lắm: Một miếng cơm manh áo, một bát nước, một nén nhang tưởng niệm ban bố thi ân. Những tưởng, những người ấy biết đâu nhiều đời kiếp đã là bà con thân thuộc vì nghiệp lực đẩy đưa trôi lăn sanh tử đau khổ muôn vàn mà không thể nhận ra nhau.

Quê hương là chùm khế ngọt, mặn mà chất liệu tuổi còn thơ. Vâng, quê hương Nguyệt Biều rất đẹp mà lời thơ của người xưa vẫn còn đó.

“Làng tôi có núi có sông

Có hồ nước mát, có đồng lúa xanh

Có dòng sông chảy bao quanh...

Dẫu ai đi ngược về xuôi

Nhớ về thôn Nguyệt tình quê dạt dào”

Trong mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng hiểu rằng - quy luật sinh tồn của vũ trụ có hình thành tất có hoại diệt. Thành, Trụ, Hoại, Không. Con người cũng vậy, có ngày mở mắt chào đời, chắc chắn có ngày nhắm mắt ra đi - Sanh, già bệnh chết. Nhưng sự ra đi đó không phải là sự ra đi vĩnh viễn, mất hẳn. Lúc còn sống, nếu không biết tu nhân tích đức thì khi chết nếu không nương nhờ thân quyến hiện tiền tu tạo phước lành hồi hướng, thì chắc hẳn - người thân tôi mất chẳng biết về đâu, mịt mờ tăm tối, đau khổ trầm luân. Vì thế, Đại Lễ Trai Đàn Chẩn Tế Cầu Siêu Bạt Độ là một việc làm thù thắng mà mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền vì hạnh nguyện Đại Từ, Đại Bi, Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ rưới mát cam lồ cứu vớt chúng sanh.

Giờ phút này đây, có lẽ cửu huyền Tổ tiên ông bà đang lắng nghe, đang chờ đợi những gì mà hôm nay con cháu đang chí thành, chí kính hướng về ba ngôi Tam bảo, nhờ hồng ân và diệu lực vô biên mà được nhẹ nhàng an vui giải thoát, ngõ hầu đền đáp công ơn trong muôn một.

Vốn dĩ, cuộc đời đến để rồi đi. “Trăm năm trước ta chưa có, trăm năm sau có lại hoàn không”... Đông qua, thu tàn, xuân đến... Vô thường biến dịch của càn khôn cũng như hưng vong suy thịnh của nhân sinh. Bao thăng trầm vinh nhục, gia tộc tưởng chừng như bị lãng quên theo năm tháng, nơi phụng thờ xuống cấp trầm trọng, thân thuộc ly tán, khó có ngày đoàn tụ... chung lo.

Đây là cơ hội hy hữu, chim bay về tổ, hội ngộ sum vầy dâng nén hương lòng, ngồi lại bên nhau tìm về cội nguồn, dù chỉ một lần; mà để lại trong ta bao điều thầm nhớ - ngày ấy được về quê cha đất Tổ, dòng họ thiết lập đàn tràng Tưởng Niệm - Ôi! Sao nghe chạnh lòng ấm áp tha thiết bao dung! Hoa vẫn nở trong rừng hoa tươi thắm, mỗi bước chân đi như âm thầm nhắn nhủ. Con cháu hôm nay làm sao để được hoàn thiện một con người, để được thăng hoa, để cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng tông đường huy hoàng tráng lệ, để cho Biểu Sanh Phường hưng vượng xứng đáng với ân huệ tiền nhân trong lòng thôn Nguyệt, xứng đáng hội nhập với dòng chảy phát triển văn minh văn hóa của dân tộc.

Bao nhiêu lời tâm huyết, bấy nhiêu dòng suy nghĩ. Kính dâng hết nổi lòng, mạo muội tran trãi, kính mượn đôi dòng thay lời, dâng nén hương lòng nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo thùy từ minh chứng. Kính nguyện Chư Hương Linh Cửu Huyền Thất Tổ sớm sanh miền Tịnh Độ. Thành kính tưởng niệm Húy Nhật lần thứ 200 của bậc tiền bối đã làm xứng danh dòng họ Đặng Đức mãi mãi in dấu trong lòng con cháu hôm nay.

Thành Kính! Thành Kính!

Trân trọng!

Cố Đô Huế, Mùa Xuân Canh Dần - 2010

Kính ghi: Cháu đời thứ mười

Đặng Đức Xầu - Thích Quảng Huệ

Hiệu: Thường Minh

 


Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất cố Lễ Bộ Thượng thư Đặng Đức Siêu tại Huế

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất cố Thượng thư bộ lễ Đặng Đức Siêu (1810-2010), ngày 16-17 tháng 2 năm Canh Dần (ngày 31.3.2010 và 1.4.2010) tại nhà thờ họ Đặng Đức- thôn Nguyệt Biều - đường Bùi thị Xuân- thành phố Huế, đã tổ chức Húy Nhật và Đại Trai Đàn Chẩn Tế Bạt Độ Giải Oan cho các vị tiên tổ. Về dự lễ có ban liên lạc họ Đặng TT- Huế, đông đủ bà con  thân tộc từ các tỉnh thành: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuộc, Nha Trang, Bình Định, Tp Hồ Chí Minh...

 Nhân dịp này ban liên lạc họ Đặng TT Huế đã thay mặt ban liên lạc họ Đặng Việt Namđến trao cờ công nhận họ Đặng Đức thuộc nhánh Đặng Đức Siêu thuộc dòng họ Đặng ViệtNam tại nhà thờ của dòng họ.

Đặng Đức Siêu sinh ra trong một gia đình nhà nho và làm thuốc ở huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Từ nhỏ, ông đã theo cha ra Huế. Ông đỗ cử nhân và được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1766-1777), năm ông mới 16 tuổi.

Nhà Trịnh rồi Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, Đặng Đức Siêu về ở ẩn, mở lớp daỵ học ở Xước Dũ- Long Hồ- Huế. Quan nhà Trịnh, Nguyễn Huệ  biết ông là danh sĩ liền sai người đến triệu kiến, muốn bổ cho ông làm quan, Đặng Đức Siêu giữ nghĩa với nhà Nguyễn không đầu quân, viện cớ bị ốm. Nguyễn Huệ sai người đi bắt, ông trốn về Bình Định. Cha con Nguyễn Nhạc nhiều lần tìm gặp nhưng ông cũng không trình diện.

Nguyễn Vương (vua Gia Long) đóng quân ở Gia Định, nghe danh tiếng Đặng Đức Siêu, cho người tìm gặp. Năm 1798, ông mới vào Nam gặp vua Gia Long và dâng lên kế sáchBình Tây phương lược. Vua khen ngợi nghe theo và nói rằng: “Ta mong ngươi từ lâu; ngươi đến sao muộn thế?”. Vua Gia Long giao cho ông chức tham mưu ở Trung doanh để bàn tính việc quân. Từ đó, Đặng Đức Siêu hết lòng với vua Gia Long

Không chỉ là người tư vấn, tham mưu cho vua Gia Long nhiều sách lược thời chiến, thời thái bình ông còn là người trợ giúp đắc lực cho triều đình trong việc định ra nhiều luật lệ điển chế, nhất là trong buổi đầu lập quốc, ổn định dân tình. Ông được giao nhiệm vụ quan trọng là soạn ra điển lễ lớn của triều đình như lễ tế Xã Tắc, Nam Giao, tế Miếu...

Mùa xuân năm Gia Long năm thứ 2 (1803), khi triều đình tổ chức tấn phong Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, ông được phụng mệnh bưng kim sách và ấn ngọc. Hai năm sau, vào năm 1805, ông được giao nhiệm vụ dạy dỗ Hoàng Tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này).

Năm Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807), ông được giao quản lý Khâm thiên giám. Năm KỷTị, Gia Long năm thứ 8 (1809), triều đình bắt đầu đặt chức Thượng thư lục bộ, vua trao cho Đặng Đức Siêu chức Thượng thư Bộ Lễ.

Năm Canh NgọGia Long năm thứ 9 (1810), ông qua đời. Triều đình tổ chức an táng và đưa thi hài ông về quê nhà Bình Định rồi ban cho áo gấm, quan tài, cấp cho mộ phu.

 Minh Mạng năm thứ 6 (1825), Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế nghĩ lại công thầy dạy học, bảo Bộ Lễ rằng: “Đặng Đức Siêu trước đây phụng mệnh Thế Tổ Cao Hoàng Đế dạy trẫm học mấy năm, trẫm từng được dạy bảo nhiều, Siêlại giữ tính ngay thẳng, công bằng không thẹn với chức vụ. Truy tặng Thiếu Sư Hiệp Biện Đại Học Sĩ, và ban cho một tuần tế”.                      

Năm Nhâm Tí, Tự Đức năm thứ 5 (1852), ông được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần.

 Nhà thờ Đặng Đức tại Nguyệt Biều được bà Nguyễn thị Ngữ- phu nhân Đặng Đức Siêu- người được liệt vào hạng liệt nữ và con là Ngài Đặng Đức Thiệm xây dựng khoảng trước năm 1827. Trãi qua gần 160 năm xây dựng, nhà thờ xuống cấp trầm trọng, năm 1986 đã sữa và thu nhỏ lại. Vào thời điểm đó, con cháu dòng họ do không đủ tiền để sửa chữa từ đường nên đã phải bán một số lư đồng cổ. Cũng vào thời gian, này bức hoành phi  Đồng Quản Phương Tiêu” do vua Minh Mạng ban tặng và một số câu đối, khám thờ đã bị kẻ gian lấy mất.

Ngoài việc cúng tiền để tổ chức cúng tế, cháu đời thứ X của Ngài Đặng Đức Siêu là Đặng Đức Xầu- Thích Quảng Huệ đã cúng tiền để phục chế lại bức Hoành Phi và con cháu trong dòng họ cũng hứa cúng tiền để sửa lại Khám thờ và Từ Đường đang xuống cấp trầm trọng .

                                                                    Đặng Đức Diệu Hạnh

                                                           Dưới đây là 1 số hình ảnh trong lễ kỷ niệm, bà con bấm vào đây để xem hình

Cập nhật lần cuối: 5/16/2011 4:00:55 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb